Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 09:40 (GMT +7)
Tâm sự của những nhà báo làm văn nghệ
Chủ nhật, 21/06/2015 | 05:34:38 [GMT +7] A A
Ở Quảng Ninh, có không ít văn nghệ sĩ mà như mọi người vẫn nói là “văn một tay, báo một tay”... Chính vì được “diễn hai vai” nên họ có những thế mạnh riêng. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người đã có những chia sẻ rất chân thành...
* Nhà báo - Nhà thơ Mai Phương: “Văn chương làm tôi say sưa, báo chí khiến tôi mạnh mẽ...”
Làm báo cho tôi vốn sống thực tế cực kỳ phong phú mà nếu làm việc ở lĩnh vực khác tôi khó mà có được. Văn chương sáng tác cũng cần có hiện thực sinh động chứ không thể xa rời thực tế. Có những bài thơ, truyện ngắn tôi viết sau khi đi cơ sở để viết báo. Bài báo có tính thông tấn, phản ánh sự việc kịp thời nhanh chóng. Biến hiện thực thành hình tượng nghệ thuật để nó có sức sống lâu bền hơn thì lại phải viết văn. Với văn cũng vậy, với thơ cũng không thể khác. Không thể ngồi ở nhà để có được cảm xúc sâu sắc, mang hơi thở của cuộc sống để viết thành những vần thơ. Với ai thì không biết chứ với cá nhân tôi, không nhờ làm báo tôi không có được những tác phẩm văn học như bây giờ.
Làm văn tôi say sưa để hết trái tim của mình vào trong đó. Ở lĩnh vực báo chí, ngòi bút của tôi là ngòi bút chân chính, vì con người, vì xã hội, vì cuộc sống, chứ không đem ngòi bút ra để dọa nạt ai. Tôi yêu nghề báo cũng vì những lẽ ấy. Vì yêu mà tôi học đêm học ngày, học từ những chi tiết nhỏ để làm báo và gắn bó với nghề. Ở tuổi này, tôi vẫn viết văn được, làm báo được. Tôi vẫn đòi những người thợ mỏ cho tôi chui lò để có thực tế cùng công nhân. Nếu rủi thay tôi có chết ở dưới lò cũng là hạnh phúc vì được ra đi trong bàn tay những người thợ lò, những chiến sĩ làm than cho Tổ quốc. Nói vậy thôi chứ tôi nghĩ, chỉ mong còn nhiều sức khỏe có thể sẽ nhớ lại những câu chuyện trong quá trình làm báo của mình để viết hồi ký…
* Nhà báo - NSNA Đỗ Kha: “Bức ảnh như một tấm áo đẹp hấp dẫn bạn đọc ngay từ cái nhìn đầu tiên...”
Tôi nghĩ nhà báo mà có tư duy của một nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ khiến anh ta nhìn ra vấn đề nhanh hơn và nhìn sự kiện, nhìn vấn đề một cách sâu sắc hơn. Anh cũng sẽ rèn cho mình một sự rung cảm trước đối tượng khai thác. Anh xót xa cảm thương nhân vật, anh vui buồn đớn đau cùng nhân vật. Những sự kiện trong cuộc sống đều có cái đáng yêu, cái đáng ghét. Nhà báo nhìn cái đó một cách rõ ràng và sẽ phản ánh, phơi bày điều đó cung cấp đến bạn đọc thông qua ngôn ngữ và hình ảnh. Đừng nghĩ ảnh chỉ để minh họa. Nếu mỗi bài báo thể hiện một thông điệp, nội dung sẽ là gan ruột của bài báo thì mỗi bức ảnh đẹp như một tấm áo đẹp khoác lên cho nó. Bức ảnh đó là cái đầu tiên đập vào mắt người đọc, tạo cảm xúc mạnh thu hút người đọc. Do vậy, người làm ảnh không thể nào chấp nhận ảnh loãng, nội dung hời hợt, bố cục lỏng lẻo, nghèo nàn. Ảnh thông tấn cũng cần mang tính nghệ thuật. Và ngược lại ảnh nghệ thuật cũng cần có những nội dung thông tin. Một bức ảnh đẹp ở tài năng của người chụp, khai thác được góc nhìn đẹp, tận dụng tối đa thế mạnh của nhiếp ảnh. Xuất phát từ quan niệm đó nên suốt những năm làm báo tôi đã hăng hái xông xáo cả vào những nơi khó khăn, gian khổ và cả nguy hiểm để có được những bài báo hay những bức ảnh đẹp. Tôi tự hào về cuộc đời làm báo của mình.
* Nhà báo - Nhà văn Lê Toán: “Báo chí đã chắp cánh cho tác phẩm của tôi...”
Ở Quảng Ninh có một đội ngũ tương đối hùng hậu những người làm báo. Nhiều người trong số đó có khả năng viết văn. Một số nhà văn mà tên tuổi của họ gắn với một cơ quan báo chí nào đó. Báo chí đã thành cái nôi, thành bà đỡ cho những người viết văn nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung. Tôi nghĩ tất cả những người làm báo đều có tâm hồn dễ rung động đều yêu văn chương nghệ thuật. Chỉ có điều tài năng của họ phát lộ lúc nào mà thôi. Chẳng thế mà ở Quảng Ninh có rất nhiều nhà báo sau này trở thành những nhà văn, nhà thơ tên tuổi như: Như Mai, Mai Phương, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Trần Ngọc Tảo v.v.. Trong bối cảnh chung đó, bản thân tôi cũng có nhiều điều kiện để sáng tác văn học từ quá trình làm báo.
Trước đây do công việc làm báo, rồi làm quản lý, tôi chưa có nhiều thời gian để sáng tác văn học. Giờ đây, tôi có thể dành toàn tâm toàn ý cho công việc sáng tác. Tuy nhiên, những tháng năm làm báo trước đây đã cung cấp cho tôi vốn sống, chất liệu vô cùng quý giá để tôi đưa vào tác phẩm lúc này. Với cá nhân tôi, tôi quan tâm nhiều đến đời sống hàng ngày của thiếu nhi, những sinh hoạt của con trẻ. Làm báo đã cho tôi nhiều cơ hội tiếp xúc với các em để tôi viết văn học thiếu nhi như bây giờ.
Viết văn cũng giúp tôi rất nhiều trong quá trình làm báo. Tôi biết cách viết chau chuốt hơn, sử dụng ngôn ngữ tinh hơn để chuyển tải những thông điệp của cuộc sống một cách quyến rũ hơn, lan tỏa hơn. Tôi cũng luôn hàm ơn những người dìu dắt tôi trong nghề báo, biết ơn những cơ quan báo chí đã nâng đỡ chắp cánh cho tác phẩm của tôi bay xa hơn nữa…
* Nhà báo - Họa sĩ Công Phú: “Tranh tôi vẽ gắn với cuộc sống sinh động là nhờ những tháng năm làm báo...”
Nếu làm người trình bày báo thì hẳn là phải có sự hiểu biết nhất định về hội họa. Hội họa dạy cho người ta trình bày mọi khối. Tôi có cái may mắn là được làm người trình bày báo ngay trong những năm ở chiến trường phía Nam. Sau này tôi về phục viên lại được nhận vào làm ở Báo Quảng Ninh. Môi trường ở Báo Quảng Ninh giúp tôi rất nhiều trong việc khám phá và hoàn thiện bản thân. Tôi làm rất nhiều việc, từ lấy tin, viết bài đến trình bày báo. Đôi khi còn cả biên tập, sửa bài, cắt bài, viết lại, viết thêm v.v.. vào bài viết của phóng viên nữa. (Bởi hồi ấy, việc in ấn không hiện đại như bây giờ. Có khi thiếu mấy chữ, mấy câu mà tác giả không có mặt ở đó thì lại phải bổ sung…). Tôi nghĩ được làm nhiều việc cũng tốt. Mình sẽ hiểu hơn công việc của anh em, những người liên quan với mình để cùng làm cho tờ báo có chất lượng cao hơn. Mỗi khi xuống một đơn vị thực tế viết bài, tôi vừa lấy thông tin vừa tranh thủ vẽ ký họa. Tranh tôi vẽ gắn với cuộc sống sinh động là nhờ những tháng năm làm báo. Tôi học mỹ thuật là do đam mê từ nhỏ. Tôi làm báo là do duyên nghiệp. Hai cái này bổ sung hỗ trợ cho nhau rất tốt. Nhờ kiến thức hội họa, con mắt hội họa, tôi nhìn trang báo in như một bức tranh. Nhờ đi làm báo tôi có điều kiện thực tế sáng tác có thêm chất liệu để vẽ tranh đẹp hơn.
* Nhà thơ - CTV báo chí Dương Phượng Toại: “Tuy chỉ là nghiệp dư, tôi vẫn luôn coi nghề báo như nghiệp của đời mình...”
Tôi làm báo đã từ lâu. Năm 1967, những năm tháng chống Mỹ cứu nước tôi đã là cộng tác viên tích cực của Báo Quảng Ninh. Khi vào Hội VHNT Quảng Ninh, tôi là cộng tác viên của Báo Hạ Long. Cuộc đời làm báo đã cho tôi thật nhiều kinh nghiệm và những bài học bổ ích. Ngay từ những ngày đầu bước vào làm báo, tuy chỉ là nghiệp dư, tôi đã coi nghề báo như “cái nghiệp” của mình. Vốn là một nông dân, vốn sống, những sự kiện, những tư liệu trong đời sống nông dân, nông nghiệp nông thôn đã cho tôi không chỉ tình cảm đời sống, tư liệu báo chí mà còn là tư liệu, ý tưởng sáng tác VHNT. Sau mỗi bài báo viết xong in trên Báo Quảng Ninh hay báo, đài khác, có những sự việc ám ảnh đáng nhớ khiến cho tôi suy nghĩ, trăn trở hàng đêm, hàng ngày. Từ những day dứt trăn trở đó, tôi đã tìm ra ý tưởng chủ đề sáng tác thơ, bút ký, truyện ngắn. Tôi đã xây dựng tính cách nhân vật, sự kiện, kết cấu câu chuyện trên nền tảng của những nguyên mẫu báo chí. Từ tác phẩm báo chí đến tác phẩm VHNT với tôi từng là những khoảng cách rất gần. Nghề nghiệp viết báo đã góp phần nâng cao, nghề nghiệp sáng tác văn học của tôi. Mỗi tháng năm đi qua là một bài học dạy tôi viết báo, làm thơ và viết bút ký truyện ngắn. Đặc biệt với những bài bút ký, tôi đã từng được giải một phần quan trọng nhờ sự thành công từ những bản tin, bài báo. Chân thành mà nói, tôi rất biết ơn Báo Quảng Ninh một thời như một chiếc nôi giúp tôi trưởng thành với những thành công về báo chí và VHNT...
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()