Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 19:24 (GMT +7)
Tăng cường giải pháp đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Thứ 3, 12/11/2024 | 05:12:52 [GMT +7] A A
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, việc mua hàng online trở nên quen thuộc với mọi người dân. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lợi dụng việc này để bán hàng nhái, hàng kém chất lượng gây tổn hại cho người tiêu dùng. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp.
Tỉnh tích cực tham gia ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng phù hợp với các cam kết quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội; tham gia ý kiến hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật và nhiều văn bản, kế hoạch liên quan khác.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh có liên quan cũng được đẩy mạnh. Từ năm 2019 đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện trên 1.000 đợt tuyên truyền, phổ biến cho gần 120.000 lượt người là đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; phối hợp đăng tải 7.560 lượt tin, bài, ảnh, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cục Hải quan tỉnh đăng tải 4.671 tin bài trên trang thông tin điện tử của Cục, 1.069 tin bài trên báo, đài; tổ hỗ trợ cung cấp thông tin và giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp (ISEC) đã gửi cung cấp thông tin văn bản pháp luật mới tới 42.739 lượt doanh nghiệp…
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để người dân và thương nhân đều hiểu và tuân thủ thực hiện; đăng tải đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, pano treo tại Trung tâm thương mại Go! Hạ Long, Chợ Hạ Long I, Chợ Hạ Long II, Quảng trường Chợ đêm SunWorld Hạ Long về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh của người tiêu dùng. Qua đó, từ năm 2019 đến nay đã tiếp nhận gần 500 thông tin phản ánh của người tiêu dùng và thương nhân trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương bố trí phòng chuyên môn theo dõi, phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan có chức năng xử lý các thông tin phản ánh của người tiêu dùng và thương nhân. Số lượng vụ việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng do Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp nhận và xử lý là 350 vụ, giá trị hàng hóa được giải quyết thành công lên đến hàng tỷ đồng; tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc trung bình năm đạt trên 95%.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng cũng được tỉnh chú trọng. Qua thanh, kiểm tra, từ năm 2019 đến nay, đã có 16.669 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hoá...) bị xử lý với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 159,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững, phát triển hệ thống phân phối bền vững; giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình khuyến mại nhằm tri ân người tiêu dùng. Qua đó trung bình mỗi năm, tỉnh tiếp nhận và giải quyết trên 18.000 bộ hồ sơ thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại trên địa bàn với tổng giá trị giải thưởng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Các phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đều được các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị phối hợp giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức thương lượng, hòa giải là phổ biến...
Để chủ động hội nhập kinh tế trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tỉnh còn ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại với các nước châu Âu, Thái Bình Dương...; giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương thông tin, tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu kể từ khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO; giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa…
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã tổ chức 12 chương trình hội nghị, hội thảo, chương trình cà phê doanh nhân. Tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách về các Hiệp định thương mại tự do; các yêu cầu hội nhập quốc tế, các cơ hội và thách thức trong thời gian tới…
Với những nỗ lực chung của các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua đó đã giúp cho người tiêu dùng nâng cao nhận thức tự bảo vệ mình; các tổ chức, sản xuất kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm với sản phẩm hàng hoá, dịch vụ khi bán cho người tiêu dùng.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()