Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:13 (GMT +7)
Tăng cường giám sát chất lượng nông sản
Thứ 3, 07/03/2023 | 08:00:13 [GMT +7] A A
Phần lớn lượng thực phẩm hàng ngày mà con người sử dụng liên quan đến sản phẩm từ các ngành nông-lâm-thủy sản. Để đảm bảo ATTP và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, việc giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản đã được các cấp, các ngành liên quan của tỉnh thực hiện thường xuyên.
Trước hết, các đơn vị liên quan tích cực lấy mẫu để giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn. Riêng cấp tỉnh, từ năm 2022 đến nay đã lấy 743 mẫu giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản, gồm 421 mẫu nông, thủy sản và 130 mẫu hàu xuất khẩu, 60 mẫu giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật thủy sản nuôi, 28 mẫu sản phẩm test nhanh, 44 mẫu phân bón, 60 mẫu thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó cho thấy phần lớn các mẫu đã đạt chất lượng, chỉ còn 5 mẫu vi phạm, chủ yếu là mẫu tôm thẻ chân trắng còn phát hiện hóa chất kháng sinh cấm, mẫu thịt lợn phát hiện salmonella spp và 1 mẫu hàu sống nguyên con phát hiện Norovirus.
Về phía các địa phương, từ năm 2022 đến nay cũng đã chủ động lấy 128 mẫu giám sát sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản; qua đó cho thấy có tới 114 mẫu đạt yêu cầu.
Với các mẫu không đạt, các ngành, địa phương thành lập đoàn kiểm tra đánh giá tình hình, hướng dẫn cơ sở nuôi trồng cách xử lý, chăm sóc để cho những sản phẩm thực phẩm đảm bảo chất lượng. Với cơ sở cố tình vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần, các cơ quan thẩm quyền đều xử phạt nghiêm minh.
Bà Nguyễn Thị Thu, chủ cơ sở kinh doanh rau, củ ở chợ Cái Rồng, huyện Vân Đồn cho biết: “Chúng tôi thường xuyên được các ngành, UBND thị trấn và Ban Quản lý chợ tuyên truyền về đảm bảo ATTP, lấy rau, củ rõ nguồn gốc. Huyện cũng có lấy mẫu một số điểm kinh doanh thực phẩm nông sản, thủy sản để xét nghiệm. Điều này cũng rất tốt bởi qua đó giúp những người buôn bán như chúng tôi biết được cần nhập mặt hàng nào đảm bảo an toàn để bán cho người dân”.
Bên cạnh đó, tỉnh, các địa phương, các ngành liên quan còn thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra để giám sát, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; trong đó tập trung mạnh vào các dịp lễ, tết. Riêng năm 2022, Sở NNN&PTNT tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đối với 9 cơ sở; kết quả 6 cơ sở thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP; 3 cơ sở dừng hoạt động. Còn các đơn vị, địa phương đã thanh tra, kiểm tra 168 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; qua đó có 9 cơ sở không đạt yêu cầu, trong đó 6 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 20,5 triệu đồng.
Đồng thời, các ngành chức năng còn tiến hành kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của 80 hộ sản xuất trồng trọt tại TX Đông Triều, TX Quảng Yên. Qua đó cho thấy, các hộ tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.
Nói về vấn đề này, bà Trần Thị Lương, thôn Cửa Tràng, xã Tiền An (Quảng Yên) cho biết: “Bà con rất hoan nghênh việc giám sát, kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt; qua đó giúp bà con được hướng dẫn tận tình hơn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình trong quá trình sản xuất để làm sao bảo đảm an toàn nhất cho người tiêu dùng và cho chính bản thân mình”.
Cùng với kiểm tra, giám sát, các ngành chức năng còn đôn đốc, hướng dẫn để tăng số lượng cơ sở sản xuất, chế biển sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 29.442 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; trong đó cấp tỉnh quản lý 1.610 cơ sở, cấp huyện quản lý là 28.479 cơ sở.
Với 1.105 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận ATTP do cấp huyện, cấp tỉnh quản lý; các cấp đã rà soát, đơn giản hóa và giảm tối đa thủ tục hành chính; đồng thời tích cực giám sát hướng dẫn cơ sở để thực hiện đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đến nay, đã có 997 cơ sở được cấp giấy này. Với 28.337 cơ sở còn lại thuộc diện ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; qua công tác vận động, tuyên truyền, giám sát, đôn đốc, đến nay toàn tỉnh cũng đã có 26.510 cơ sở thực hiện ký cam kết, đạt tỷ lệ 93,6%.
Việc tăng cường giám sát của các ngành, địa phương đối với chất lượng thực phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất, lưu hành trên thị trường tỉnh đã giúp người dân an tâm hơn trong quá trình sử dụng; góp phần đảm bảo sức khỏe lâu dài của người dân.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()