Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:45 (GMT +7)
Tăng cường xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường
Thứ 2, 09/05/2022 | 13:30:38 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Quảng Ninh đã thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Là bệnh viện đa khoa hạng I, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp đón từ 1.000-1.200 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh mỗi ngày; đơn vị lại nằm trong khu vực dân cư, nội thành, sự quan tâm, đầu tư đúng mức trong việc xử lý rác thải y tế không những tạo môi trường lành mạnh cho bệnh nhân và nhân viên bệnh viện mà còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe dân cư khu vực xung quanh bệnh viện. Theo thống kê tại bệnh viện, lượng chất thải y tế phát sinh từ 6-7 tấn/tháng; riêng tháng 2 và 3/2022 khi số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng cao, lượng chất thải y tế phát sinh lên 12-13 tấn/tháng.
Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) Nguyễn Thị Hải Thanh, cho biết: Bệnh viện đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống Covid-19. Trong đó tuân thủ nguyên tắc tất cả rác thải phải được thu gom, phân loại, xử lý ngay tại nơi phát sinh, đặc biệt là tại các khu vực sàng lọc, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19. Sau đó được tập kết tại khu chứa rác thải nguy hại riêng của bệnh viện. Từ năm 2019, bệnh viện đã dừng hoạt động lò đốt rác; toàn bộ rác thải nguy hại được bàn giao cho đơn vị có chức năng đã ký hợp đồng với bệnh viện để xử lý.
Đối với chất thải lỏng được thu gom vào hệ thống thu gom chung của bệnh viện, xử lý bằng công nghệ hợp khối nguyên lý đệm vi sinh lưu động kết hợp vật liệu lọc và khử trùng (AAO), có 3 hệ thống xử lý nước thải công suất 700m3/ngày đêm, 100m3/ngày đêm và 10m3/ngày đêm. Lượng nước thải phải xử lý trung bình 320m3/ngày đêm. Sau khi nước thải xử lý và đảm bảo đạt tiêu chuẩn sẽ được đấu nối vào hệ thống thoát nước thải chung của khu vực, thu về Trạm xử lý nước thải Hà Khánh (TP Hạ Long).
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt việc thực hiện tốt quy chế quản lý và xử lý chất thải y tế nguy hại trong toàn bệnh viện. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về quản lý chất thải y tế và phòng chống rác thải nhựa cho cán bộ, viên chức và người lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phân loại, thu gom, quản lý và xử lý chất thải nguy hại, đảm bảo vệ sinh môi trường, nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh.
Theo phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vân Đồn được bố trí 120 giường bệnh để điều trị F0. Hiện số lượng F0 đã giảm, tuy nhiên trung tâm vẫn đang điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân Covid-19 tại khu cách ly của đơn vị. Bác sĩ Tô Thị Hải, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (TTYT huyện Vân Đồn) chia sẻ: Toàn bộ rác thải y tế, rác thải sinh hoạt của F0 đều được bỏ vào các thùng màu vàng, sau đó xịt khử khuẩn. Rác thải được thu gom, bảo quản lạnh ở trong các tủ bảo ôn và đặt trong các thùng container kín để ngăn chặn sự phát triển của virus, không phát tán mầm bệnh ra môi trường. Từ 2-3 ngày, đơn vị ký kết xử lý rác thải với Trung tâm sẽ đến thu gom, vận chuyển và đưa về nơi tập kết để xử lý rác thải của F0 theo quy định.
Hiện nay số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã giảm, với khoảng 3.000 F0 đang điều trị/ngày, trong đó có trên 2.800 F0 điều trị tại nhà. Đối với thu gom chất thải lây nhiễm tại gia đình có người mắc Covid-19, tỉnh Quảng Ninh giao cho các địa phương hướng dẫn người dân phân loại chất thải y tế; có nhân viên thu gom, vận chuyển rác thải.
Hiện nay việc cách ly, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà chiếm trên 95%. Vì vậy để hạn chế mầm bệnh lây lan trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị chức năng thì mỗi người dân cần nêu cao ý thức cao trong thực hiện phân loại rác thải, không để phát tán dịch bệnh ra bên ngoài.
Mặt khác, để phòng trường hợp gia đình có người mắc Covid-19 nhưng chưa được phát hiện hoặc gia đình có người nhiễm nhưng không khai báo y tế, không thực hiện phân loại chất thải đúng quy định, các địa phương, doanh nghiệp vệ sinh môi trường cần tăng cường hướng dẫn công nhân có biện pháp hạn chế tiếp xúc rác thải trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()