Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:11 (GMT +7)
Ba Chẽ: Đồng hành cùng thanh niên
Thứ 6, 25/03/2022 | 15:56:17 [GMT +7] A A
Ba Chẽ trước đây có nhiều hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ thanh niên; nhưng nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm rất thấp, không có hộ thanh niên nghèo.
Huyện Đoàn cùng nhiều tổ chức đoàn thể trên địa bàn đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân nghèo của thanh niên là thiếu vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất, thiếu kỹ năng giao tiếp, khi bắt tay vào sản xuất không biết sản xuất cái gì, làm cái gì, sản phẩm thì bán cho ai...
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Minh Đạt, Bí thư Huyện Đoàn, cho hay: Nếu như ở các địa phương khác thì việc “trao cần câu cho hộ nghèo” đơn giản hơn, vì chỉ việc cấp vốn, giống cho họ là xong. Nhưng ở Ba Chẽ không chỉ “trao cần câu”, mà còn phải hướng dẫn cho họ kỹ thuật "câu", chỉ cho họ "câu" ở đâu và sau đó khi họ “câu được nhiều cá” thì còn phải tìm cách tiêu thụ "cá" cho họ.
Những năm qua, Huyện Đoàn rất chú trọng các mô hình kinh tế thanh niên và đề cao những thủ lĩnh thanh niên là những người năng động, ham học hỏi nâng cao hiểu biết, có quan hệ rộng để tiêu thụ được các sản phẩm của họ và giúp người khác tiêu thụ sản phẩm, làm ăn có lãi. Đến nay trên địa bàn huyện có 30 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ; dự kiến có thêm 4 mô hình của thanh niên thời gian là: Trồng 2ha cây sâm Nam tại xã Lương Mông; nuôi trồng thủy sản kết hợp nuôi gà đồi tại xã Nam Sơn; nuôi dúi tại xã Đồn Đạc; nuôi gà đồi kết hợp với trồng cây dược liệu tại thị trấn Ba Chẽ.
Một trong những thủ lĩnh thanh niên nổi bật là anh Nguyễn Thành Trọng. Anh Trọng đã tham mưu thành lập CLB Đầu tư và Khởi nghiệp huyện Ba Chẽ. Anh Trọng cùng các thành viên CLB đề ra các kế hoạch nhiệm vụ cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, vận động thanh niên phát triển các mô hình kinh tế. Để các mô hình có hiệu quả, anh cùng các bạn liên kết các mô hình, tiêu thụ sản phẩm chéo của nhau; tìm cách liên hệ với các công ty, xí nghiệp, nhà hàng ở Hạ Long, Cẩm Phả... để tiêu thụ các sản phẩm gà, ếch... của các mô hình kinh tế thanh niên. Khi đã có đầu ra ổn định, nhiều thanh niên đã mạnh dạn mở rộng đầu tư, như các anh Chìu Tiến Nguyên, Triệu Kim Phượng nuôi gà, trong gia trại luôn có từ 4.000-5.000 con gà.
Huyện có kế hoạch đến năm 2025 trồng 230ha cây trà hoa vàng. Để người trồng yên tâm với cây trà, Huyện Đoàn đã thành lập HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ, tự lo vốn mua máy chế biến hoa và lá trà; sản xuất các sản phẩm từ trà hoa vàng như hoa, lá khô, bột matcha trà hoa vàng, bánh trà hoa vàng, nước uống từ trà hoa vàng. Những sản phẩm này bước đầu được người tiêu dùng đón nhận, đã có một số doanh nghiệp tại Hạ Long, Hà Nội đặt vấn đề hợp tác, phân phối sản phẩm. Từ khi HTX của thanh niên thu mua ổn định sản phẩm từ cây trà hoa vàng, từ chỗ trồng nhiều không biết có bán được không, đến nay người trồng đều hăng hái tăng thêm diện tích trồng.
Tuy nhiên đất rừng có hạn, để tạo nhiều việc làm cho thanh niên, Huyện Đoàn kết nối với phòng nhân sự của Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ, Công ty Ván sàn ANZ tại CCN Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) tạo việc làm cho thanh niên, hiện có 124 thanh niên đang làm việc tại CCN Nam Sơn. Huyện Đoàn còn phối hợp với Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên, giúp hàng trăm thanh niên có việc làm tại các đơn vị ngành Than.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()