Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 16:30 (GMT +7)
Sắp xếp các đơn vị hành chính tại TP Hạ Long: Tạo đà phát triển vững chắc
Thứ 7, 04/03/2023 | 16:41:53 [GMT +7] A A
Nhằm có chiến lược lâu dài cho sự phát triển của TP Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung, cuối năm 2019, huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 17/12/2019) và Nghị quyết số 18-NQ/TU (ngày 2/10/2019) của Tỉnh ủy. Việc sáp nhập đã mở ra vận hội, thời cơ mới để Hạ Long mới thu hút tối đa mọi nguồn lực, phát triển đột phá, nhanh, bền vững, nâng tầm vị thế.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, kết nối giao thông
Sau sáp nhập, TP Hạ Long đã nhanh chóng ổn định về mọi mặt, tổ chức, bộ máy và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp, lộ trình phù hợp để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đề ra. Các cơ quan, đơn vị của thành phố được sắp xếp, bố trí theo đúng quy định của Trung ương và đặc thù của thành phố. Thành phố cũng rà soát kiện toàn tổ chức Đảng đối với các cơ quan ngành dọc có tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy; xây dựng phương án cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để phục vụ việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chịu tác động do quá trình sáp nhập.
Cùng với tinh gọn bộ máy, thành phố có phương án sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai các dự án, công trình, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, trong đó ưu tiên nguồn lực trên 3.000 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, kết nối giao thông, nhất là các tuyến huyết mạch trên địa bàn Hoành Bồ (cũ).
Nổi bật: Tuyến đường kết nối từ điểm đầu cầu Tình Yêu đến ngã ba Kênh Đồng (phường Giếng Đáy) có tổng mức đầu tư 408 tỷ đồng; đường đấu nối QL279 đến TL342 với kinh phí trên 321 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp tuyến đường Đồng Cao - Đò Bang (xã Thống Nhất), kinh phí gần 200 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo mở rộng tuyến đường liên xã, đoạn đường từ Mỏ Đông (xã Sơn Dương) đến trung tâm xã Đồng Sơn có tổng mức đầu tư trên 374 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thôn Trại Me (xã Sơn Dương) đến thôn Đồng Trà (xã Đồng Lâm) với kinh phí trên 810 tỷ đồng... Qua đó, tạo bước để phát triển kinh tế địa phương, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại các xã vùng cao và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông mà tỉnh đã quan tâm đầu tư.
Hiện thành phố tiếp tục nghiên cứu đầu tư dự án Đường nối từ TL324 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương với kinh phí dự kiến lên gần 1.000 tỷ đồng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TU (ngày 31/12/2020) của Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cấp, cải tạo các khu đô thị mới với sự tham gia tích cực của người dân trên địa bàn các phường để đưa bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch sẽ, hiện đại.
Ngoài tập trung các nguồn vốn để đầu tư các tuyến giao thông động lực, thành phố luôn quan tâm, dành nguồn lực cho đầu tư hạ tầng nông thôn mới, giáo dục, đào tạo, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, quản lý chặt chẽ, kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất đai, xây dựng, khai thác than và khoáng sản; chú trọng bảo vệ rừng tự nhiên, rừng ngập mặt, hồ đập…
Bứt phá toàn diện
Với quyết tâm chính trị cùng sự chủ động, quyết liệt, đột phá, sáng tạo, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tin tưởng của cử tri, nhân dân, TP Hạ Long đã có những sự bứt phá rõ rệt trên mọi lĩnh vực.
Mặc dù chịu tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 liên tiếp nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hạ Long luôn duy trì ở mức hai con số, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh (năm 2020 tăng 12,2%, năm 2021 tăng 15,6%, năm 2022 tăng 15,9%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, ngành dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt gần 49.000 tỷ đồng (tăng 15,9% so với năm 2021, tăng 6,6% so với năm 2019, thời điểm trước sáp nhập); khách du lịch đến thành phố đạt trên 7,1 triệu lượt, (gấp 4,4 lần so với năm 2021, bằng 60% so với năm 2019); tổng doanh thu du lịch đạt 14.500 tỷ đồng (gấp 6 lần so với năm 2021, bằng 61% so với năm 2019).
Cùng với con số bứt phá ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ, các chỉ tiêu phát triển KT-XH khác của thành phố có sự phát triển không ngừng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm (2020-2022) đạt 154.250 tỷ đồng (chiếm trên 50% toàn tỉnh); thu NSNN trên địa bàn luôn hoàn thành, vượt dự toán tỉnh giao; giá trị sản xuất khu vực công nghiệp - xây dựng hằng năm tăng cao, vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, ngư nghiệp duy trì ổn định (năm 2020 tăng 5,3%, năm 2021 tăng 10,5%, năm 2022 ước tăng 8,3%); 12/12 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định, công nhận TP Hạ Long đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022 và hoàn thành Chương trình 135, Đề án 196 đối với xã Kỳ Thượng. Đến hết năm 2021, thành phố không còn hộ nghèo, hết năm 2022, Hạ Long là địa phương đầu tiên của tỉnh không còn hộ cận nghèo. Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố được quan tâm cải thiện, đảm bảo kinh doanh an toàn, lành mạnh.
Thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ (cũ) là chủ trương đúng, sát và phù hợp với tình hình thực tế. Đồng chí Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, khẳng định: Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã có tác động lớn về mặt KT-XH, đó là: Giảm một đơn vị hành chính cấp huyện và hình thành một đô thị lớn với nhiều dư địa phát triển; mở ra không gian mới rộng lớn với tầm nhìn dài hạn, tối ưu hóa công tác quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, nhất là về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa. TP Hạ Long có đủ điều kiện để xây dựng quy hoạch một cách quy mô, tăng khả năng, cơ hội thu hút đầu tư, xã hội hóa vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giảm đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH và tăng thu ngân sách trên địa bàn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển kinh tế vùng, hình thành các mô hình kinh tế lớn, giảm thiểu tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy hoạch. Cái được lớn nhất là việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đổi mới phát triển của nhân dân các xã vùng cao, tạo ra nguồn lực nội sinh cho quá trình xây dựng và phát triển TP Hạ Long, giúp thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển trên địa bàn thành phố.
Hoàng Nga
- Tin vui cho tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long
- Hạ Long: Xây dựng tuyến phố đêm, tuyến phố đi bộ
- TP Hạ Long triển khai kế hoạch học tập, làm theo Bác và phát động chương trình thi đua bảo vệ môi trường
- Lực đẩy cho Hạ Long phát triển
- Xây dựng TP Hạ Long trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia
- TP Hạ Long: Tập trung cao độ cho công tác GPMB
Liên kết website
Ý kiến ()