Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:39 (GMT +7)
Tạo động lực từ đột phá về hạ tầng giao thông
Thứ 4, 06/09/2023 | 08:22:07 [GMT +7] A A
Từ một tỉnh nghèo phải nhận hỗ trợ ngân sách Trung ương khi mới thành lập, đến nay Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc. Đặc biệt, trong hành trình 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết có tính đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của địa phương.
Với tư duy đổi mới, sáng tạo và kế thừa những thành quả của những nhiệm kỳ trước, Quảng Ninh đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong đầu tư hạ tầng, tạo nên mạch nguồn giao thông thông suốt, tăng tính kết nối, mở ra không gian phát triển mới. Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, từ nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhất là 10 năm trở lại đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết sách nhiều nghị quyết tập trung cho xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, qua đó tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Theo dòng thời gian, những ngày đầu mới thành lập tỉnh, dưới mưa bom bão đạn chiến tranh, vượt qua biết bao hy sinh, gian khổ, mạch máu giao thông của tỉnh vẫn được đảm bảo, tập trung chống chiến tranh phá hoại. Sau hòa bình, sự tàn phá của chiến tranh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông. Cuối năm 1975, không một tuyến đường bộ nào của tỉnh đạt cấp kỹ thuật đồng bộ.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ V, Quảng Ninh bắt tay vào việc khôi phục hạ tầng giao thông. Trong 10 năm (1976-1985), ngành GTVT đã làm mới 112 cầu, cống các loại, mở rộng 190km nền đường, hệ thống giao thông các trục chính dọc tỉnh được thông suốt. Tuy nhiên, trước năm 1996, Quảng Ninh vẫn là địa bàn xa xôi, cách trở không chỉ vì khoảng cách địa lý, mà còn bởi hệ thống hạ tầng giao thông bị chia cắt nặng nề giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh khác, gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Để tháo gỡ nút thắt này, với sự đoàn kết, thống nhất cao về tư tưởng, cũng như hành động của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh qua các nhiệm kỳ đại hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực đầu tư, thực hiện nhiều quyết sách táo bạo, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bứt phá về sau.
Điểm mới trong cách làm của Quảng Ninh là xóa thế cô lập với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận bằng cách góp vốn cùng Trung ương xây dựng cầu Bình. Chỉ trong 3 năm đầu nhiệm kỳ 1996-2000, Quảng Ninh đã đầu tư trên 3.000 tỷ đồng xây dựng và hoàn thành hàng loạt công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Toàn bộ hệ thống ngầm tràn dọc tuyến QL18A và QL18C từ TP Hạ Long đến khu vực miền Đông đã được thay thế bằng các cây cầu. Đường bộ từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố cũng được nhựa hóa.
Năm 2006, cầu Bãi Cháy được khánh thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông nội đô TP Hạ Long và nối thông toàn bộ QL18A, trục giao thông huyết mạch của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Giai đoạn 2008-2010, Quảng Ninh đã dành nguồn lực thực hiện nâng cấp QL18A đoạn từ Mông Dương đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Trên cơ sở kế thừa tư duy phát triển, tầm nhìn, chiến lược, định hướng của các nhiệm kỳ trước, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2010-2015), nhiệm kỳ XIV (2015-2020), trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2020-2025), Quảng Ninh tập trung tối đa nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Coi đây là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh.
Trong bối cảnh nguồn NSNN còn có hạn, Quảng Ninh đã có những cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư. Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh đã chủ động đề xuất và được Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn lực, thực hiện dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tự đứng ra làm đường cao tốc.
Năm 2018, Quảng Ninh đồng loạt đưa vào khai thác chuỗi dự án giao thông trọng điểm, đó là tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tiếp theo là công trình Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Qua đó giúp Quảng Ninh chính thức tháo gỡ điểm nghẽn, vươn ra thế giới bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Tiếp nối những thành công về phát triển hạ tầng giao thông, năm 2022 mặc dù trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn quyết tâm hoàn thành cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Đặc biệt, ngày 1/9/2022, Quảng Ninh chính thức đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với chiều dài hơn 80km - mảnh ghép cuối cùng trong chuỗi cao tốc dọc tỉnh có chiều dài 176km, bằng 16,83% tổng chiều dài các tuyến cao tốc toàn quốc.
Để thúc đẩy phát triển ở các vùng miền, tỉnh cũng quan tâm đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện. Chỉ đạo triển khai xây dựng một số dự án giao thông động lực, thiết yếu, kết nối nội huyện, liên huyện, kết nối vùng động lực với vùng khó khăn và các cửa khẩu, tạo không gian, điều kiện phát triển mới đối với các địa phương khu vực miền Đông, cũng như kết nối trong tổng thể hệ thống hạ tầng giao thông của cả tỉnh.
Những đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông chính là nền tảng, là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp.
Thu Uyên
Liên kết website
Ý kiến ()