Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:05 (GMT +7)
Tảo tần những người vợ thương binh
Thứ 3, 27/07/2021 | 08:41:33 [GMT +7] A A
Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, các thương binh trở về với nhiều bệnh tật, đau đớn về thể xác, nhưng họ được bù đắp bởi “một nửa” giàu đức hy sinh và tình cảm yêu thương vô hạn. Đó là những người vợ tảo tần, chịu khó, nguyện cùng họ vượt qua nỗi vất vả của cuộc đời.
"Đôi nạng" của thương binh Hoàng Xuân Trường
“Ngay từ khi quen nhau, tôi đã sẵn sàng làm đôi nạng cho ông ấy dựa đến cuối đời ” - Đó là trải lòng của bà Đào Thị Hậu, vợ của thương binh Hoàng Xuân Trường, phường Trưng Vương, TP Uông Bí.
Trở về từ chiến trường Campuchia với đôi chân không còn nguyên vẹn cùng nỗi đau về thể xác do hậu quả của chiến tranh mang lại, thương binh Hoàng Xuân Trường năm đó cũng không còn nghĩ nhiều đến việc lập gia đình nữa. Cho đến khi cơ duyên gặp gỡ với cô gái Đào Thị Hậu, người cùng quê.
“Lúc tôi gặp ông ấy thì đã biết ông ấy là thương binh, qua nhiều lần tiếp xúc, nói chuyện, tôi thấy đây là một người đàn ông rất hiền lành, chịu khó. Từ đó, tôi đã nguyện sẽ lấy người này làm chồng” - Bà Hậu nghĩ lại. Nhưng cuộc hôn nhân của ông bà gặp nhiều rào cản từ gia đình và bạn bè, người thân. Dù vậy, sau nhiều lần thuyết phục và quyết tâm thì gia đình, bạn bè hai bên cũng chúc phúc cho ông bà.
Ông Trường cảm động: “Ngày đó bà ấy phải cứng rắn lắm mới dám ghé vai gánh vác cùng tôi. Gần 40 năm nên nghĩa vợ chồng, bà ấy đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho tôi”.
Từng ấy năm chung sống, chưa từng một lần bà nề hà hay phàn nàn về công việc chăm sóc cho chồng. Từ xoa bóp tay chân đến lo bữa cơm, giặt giũ quần áo rồi lớn hơn là xoay xở kinh tế gia đình, sửa sang nhà cửa đều một tay bà cáng đáng. Dù vậy, bà vẫn luôn vui vẻ, lạc quan vì cảm thấy chồng mình còn may mắn hơn so với những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường.
“Tuy cuộc sống có vất vả, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Tôi thương ông ấy bởi sự chất phác, hiền lành, vì những hy sinh mất mát mà cuộc đời ông ấy đã trải qua” - Bà Hậu chia sẻ. Cuộc sống của ông Trường, bà Hậu giờ đây đã ổn định hơn rất nhiều cùng với sự trưởng thành của các con, các cháu. Những lúc nhàn rỗi, cả hai ông bà đều tham gia các hoạt động đoàn thể, văn nghệ thể thao của khu dân cư.
Người vợ tháo vát, chu toàn
Cũng là vợ lính, cùng chung hoàn cảnh khó khăn khi bất đắc dĩ phải trở thành trụ cột của gia đình, sự tần tảo hy sinh của bà Ngô Thị Nưu, xã Thống Nhất, TP Hạ Long, đã viết nên câu chuyện về sự tháo vát, đảm đang của người phụ nữ son sắc chờ chồng.
“Lấy nhau được một tuần là ông ấy đi nhập ngũ, từ đó là biền biệt 15 năm vợ chồng xa nhau. Cũng có vài lần đơn vị cho về phép nhưng cũng rất ngắn ngủi. Còn lại là mình tôi và 4 đứa con thơ, vừa nuôi con lại cáng đáng việc nhà, đồng ruộng” - Bà Nưu, vợ thương binh Nguyễn Hữu Huấn chia sẻ.
Khi những đứa con lần lượt ra đời cũng là thời điểm vất vả nhất đối với bà Nưu. Cuộc sống kinh tế khó khăn, bà phải bươn chải đủ mọi việc để xoay xở lo cho gia đình. Nhớ lại những năm tháng đó, bà không khỏi xúc động: Tôi làm bất cứ việc gì có thể, ngày đi làm ruộng, tối lại tranh thủ đi bắt cáy để sáng hôm sau đi chợ. Rồi đổi công, làm thuê cho mọi người trong thôn...
Ngày ông Huấn ra quân, trở về quê với thương tật 83% cùng những cơn sốt rét triền miên thì gánh nặng trên vai bà Nưu lại thêm một chút. Vất vả là vậy, nhưng bà Nưu chưa bao giờ than phiền, trái lại bà càng chăm sóc chồng chu đáo hơn. “5 năm đầu mới về, ngày nào ông cũng lên cơn sốt, thuốc thang chạy chữa đủ mọi chốn mới ngưng bệnh. Những lúc ấy, thương ông lắm, chỉ biết ngồi cạnh vừa động viên, vừa xoa người, rồi tìm thêm chăn mền đắp cho ông, mong ông qua cơn rét...” - Bà Nưu nghĩ lại.
Đến giờ, những cơn đau vẫn tìm đến ông Huấn mỗi khi thời tiết thay đổi, nhưng lúc nào bên cạnh người thương binh già ấy vẫn luôn có mặt người vợ hiền, san sẻ nỗi đau và động viên ông.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có gần 4.000 thương binh và gần 1.200 bệnh binh. Trong đó, có hàng trăm thương, bệnh binh nặng, hàng ngày vẫn đang chịu đựng những nỗi đau do chiến tranh để lại. Song vượt lên nỗi đau về thể xác, họ vẫn có niềm tin sắt son vào cuộc sống bởi đằng sau họ luôn có những hậu phương vững chắc, là đôi bàn tay ấm áp, tình yêu thương của người bạn đời, là sự tri ân, quan tâm của toàn xã hội. Chính điều đó đã góp phần xoa dịu bớt những mất mát, đau thương của chiến tranh, hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn.
Nguyên Ngọc
- Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021) : Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
- Tỉnh Đoàn: Nhiều hoạt động tri ân nhân dịp 27/7
- Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 tại huyện Đầm Hà
- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký thăm tặng quà gia đình chính sách nhân dịp 27/7
Liên kết website
Ý kiến ()