Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:31 (GMT +7)
Tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững
Thứ 4, 30/10/2024 | 09:02:58 [GMT +7] A A
Theo “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025”, phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp.
Phát triển lâm nghiệp, đồng thời nhằm phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại quốc tế song phương và đa phương, trong đó có lĩnh vực gỗ và lâm sản xuất khẩu, đòi hỏi phát triển các vùng nguyên liệu ổn định, có nguồn gốc hợp pháp theo quy định, bảo đảm chất lượng và giá thành cạnh tranh. Mặt khác, hiện nay Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đương đầu với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường nên nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng càng đặt ra nặng nề hơn, cần sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng xã hội, đòi hỏi sự quan tâm của cả hệ thống chính trị.
Việt Nam cũng đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Theo đó, phát triển rừng bền vững để hấp thu CO2, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành lâm nghiệp và toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 25/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2024/NĐ-CP quy định về thanh lý rừng trồng. Theo đó, có hai loại rừng trồng được thanh lý. Đó là, rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư bị thiệt hại một trong các nguyên nhân do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai; do dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại rừng và không đáp ứng được các chỉ tiêu nghiệm thu sau khi trồng rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh; trồng rừng sau giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do những nguyên nhân trên và không đủ tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng.
Trước đó ngày 24/8/2024, để xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhằm từng bước triển khai hiệu quả “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 809/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, yêu cầu, phát triển lâm nghiệp phải thực sự trở thành ngành kinh tế hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025; góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu;
Tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5 đến 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao. Đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()