Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:21 (GMT +7)
Tết tảo mộ của người Tày ở Bình Liêu
Chủ nhật, 16/04/2017 | 00:30:32 [GMT +7] A A
Từ bao đời nay, cứ vào ngày 3-3 (âm lịch) người Tày ở Bình Liêu lại tổ chức Tảo mộ hay còn quét mộ, sửa sang lại nhà cửa cho người âm. Đây là nét đẹp văn hoá được người Tày coi trọng, gìn giữ từ bao đời nay và cũng là dịp để con cháu được chăm sóc mộ phần, tỏ lòng biết ơn, hiếu kính với các bậc tổ tiên.
Trong tiết Thanh minh, người dân Bình Liêu đi tảo mộ ở nghĩa địa Đồi Chè, thị trấn Bình Liêu. |
Vào ngày này, những khu nghĩa trang, phần mộ của những người đã khuất nghi ngút khói hương, các mâm cỗ đa dạng đồ lễ để cúng tổ tiên, những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ và vun đắp lên đất mới, đó là tâm đức của những người đang sống với người đã khuất. “Những ngôi nhà của cõi âm” sau khi được dọn dẹp, vệ sinh xong sẽ được gia chủ lấy hai tờ giấy đỏ được chuẩn bị sẵn, đặt chồng lên nhau hình chữ thập hay dấu nhân lên vị trí trung tâm ngôi mộ và đắp một vuông đất mới chèn lên trên, cắm 4 cây nêu màu đỏ hoặc màu hồng xuống 4 góc cạnh ngôi mộ. 4 cây nêu này tượng trưng cho cờ của cõi âm, cũng mang ý nghĩa vừa trang hoàng, làm đẹp cho không gian mộ, vừa khẳng định đây là khu vực không được xâm lấn và đã có người quét dọn ngôi mộ.
Khi các phần việc đã xong, gia chủ sẽ bày mâm cúng ra đặt trước ngôi mộ. Mâm lễ cúng trong ngày tảo mộ của người Tày thường có xôi ngũ sắc, thịt gà, thịt lợn, rượu, hoa quả, tiền vàng mã, hương, nhà nào có điều kiện thì có thêm thủ lợn... Xôi ở đây thường được đồ với nhiều màu sắc bắt mắt, thường gồm 5 màu chính: Trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Ngoài màu trắng là màu tự nhiên của gạo, những màu xanh, đỏ, tím, vàng đều được làm từ củ, lá cây rừng. Theo quan niệm của người dân nơi đây, màu đỏ là màu tượng trưng cho khát vọng, màu tím tượng trưng cho trời đất trù phú, màu vàng tượng trưng cho sự no đủ, màu xanh tượng trưng cho sự màu mỡ, tươi tốt, màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng và sự thuỷ chung. Tất cả đều mang ý nghĩa tượng trưng cho âm dương và ngũ hành. Cách kết hợp màu sắc do từng gia đình lựa chọn, có thể là 5 màu, 3 màu, 2 màu mà không ép buộc theo khuôn mẫu.
Bà Hoàng Thị Lìu, một người dân đến quét mộ tại nghĩa địa thị trấn cho hay: “Trong ngày Tảo mộ, gà, rượu, thịt, hương, vàng mã và xôi là những thứ bắt buộc phải chuẩn bị. Đối với xôi thì gia đình tôi thường đồ xôi 3 màu là màu đỏ, màu trắng và màu tím”.
Người Tày quan niệm, khi đốt cháy tuần hương và vàng mã coi như người âm đã nhận đủ lễ vật mà người dương muốn gửi do vậy người thân có thể bày mâm ăn uống tại đó hoặc thu lộc mang về nhà. Nhưng đa số, mọi người thường thu lộc về nhà mới quây quần bên nhau ăn uống.
Trong ngày tết Tảo mộ, trẻ em cũng được theo bố mẹ và ông bà, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để giáo dục cho thế hệ trẻ biết kính trọng tổ tiên, người đã khuất.
Đối với những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để sửa sang lại phần mộ cho ông bà tổ tiên, đồng thời sum họp cùng gia đình, người thân. Chị La Thị Sinh, khu Bình Quân, thị trấn Bình Liêu, cho biết: “Tôi bán hàng trên Đồng Văn, thi thoảng mới về nhà được. Công việc của tôi là bán hàng ăn nên cũng khá bận rộn nhưng dù bận đến mấy, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3-3 âm lịch là tôi lại thu xếp công việc để về quê dọn dẹp, sửa sang mồ mả cho ông bà, tổ tiên”.
Tục tảo mộ của người Tày không chỉ diễn ra ở phạm vi gia đình mà còn ở quy mô dòng họ. Tuy nhiên, thời gian tảo mộ có thể diễn ra sớm hơn hoặc vào ngày nghỉ. Ông La Tiến Sàu, khu Bình Quân, thị trấn Bình Liêu, cho biết: “Ở Bình Liêu họ La chúng tôi khá nhiều nên việc tảo mộ thường quy định sẵn. Chúng tôi thường tổ chức tảo mộ của gia đình trước, đến thứ 7 này sẽ tảo mộ nhánh, còn mộ chung của dòng họ sẽ tiến hành vào Tết Thanh Minh. Đối với mộ nhánh và mộ chung mỗi gia đình trong dòng họ sẽ cử một người đi đại diện để cùng nhau làm vừa mang ý nghĩa thể hiện đạo đức, bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những thế hệ đi trước đã khuất và nhắc nhở con cháu nhớ về quê hương, cội nguồn”.
Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Kính hiếu tổ tiên” từ hàng ngàn đời nay luôn được các thế hệ người Tày ở Bình Liêu duy trì thông qua tục Tảo mộ diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 (âm lịch). Đây là nét văn hoá của người Tày và cũng là dịp để con cháu trở về sum vầy nơi quê cha, đất tổ, gạt bỏ mọi phiền lụy, góp phần giáo dục cho thế hệ sau những cách ứng xử có tình người, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trên cơ sở dòng chảy văn hoá.
La Lành (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()