Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 06:24 (GMT +7)
Thách thức trong chuyển đổi số ở ngành giáo dục
Thứ 5, 12/05/2022 | 09:56:27 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của tỉnh, qua đó tạo bước tiến dài trong công tác quản lý giáo dục và dạy học. Tuy nhiên, đi cùng với những thuận lợi đó, chuyển đổi số trong ngành giáo dục trên địa bàn vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức ở phía trước.
Ngày 25/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 1/3/2022 thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Đây là những tiền đề pháp lý quan trọng để thực hiện chuyển đổi số trong ngành.
Theo quan điểm của Sở GD&ĐT, chuyển đổi số có thể phân thành 3 giai đoạn (số hóa - ứng dụng số hóa - chuyển đổi số). Ngành giáo dục tỉnh đang từng bước thực hiện các tiền đề để chuyển đổi số. Trong quản lý giáo dục, hiện tại, giáo dục Quảng Ninh cơ bản đã triển khai xong bước 1 (số hóa), đang ở giai đoạn 2 (ứng dụng số hóa). Toàn bộ thông tin của 22.000 cán bộ giáo viên, 352.000 học sinh trên toàn tỉnh đã được cập nhật lên phần mềm trực tuyến (có nghĩa là toàn bộ học sinh theo học các trường mầm non, phổ thông đã được quản lý bằng phần mềm). Dữ liệu này đã được chuyển tự động sang cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh. Toàn bộ các trường tiểu học, trung học trên toàn tỉnh đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Đây là tiền đề rất quan trọng để chuyển sang bước tiếp theo, giai đoạn chuyển đổi số.
Mặc dù chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá đã bắt đầu triển khai nhưng kết quả chưa như mong đợi. Đây cũng là vấn đề chung của ngành Giáo dục trên cả nước. Đối với Quảng Ninh, khi triển khai hợp phần Giáo dục thông minh trong Đề án Thành phố thông minh của tỉnh, mục tiêu trọng tâm là tạo ra học liệu, bài giảng điện tử, chuyển đổi phương thức dạy và học theo hướng ứng dụng mạnh mẽ elearning trong giảng dạy. Tuy nhiên, đề án mới cơ bản hoàn thành việc số hoá tài liệu, sách giáo khoa. Hệ thống học liệu điện tử, bài giảng elearning cơ bản chưa hoàn thiện, chưa được ứng dụng rộng rãi tại các trường học đã được đầu tư.
Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, ngành giáo dục đồng loạt triển khai dạy học trực tuyến ở tất cả các cấp học. Đây là thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy vậy, theo đánh giá việc giảng dạy trực tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến theo Quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021, việc dạy trực tuyến trước đây mới dừng lại ở mức độ giáo viên và học sinh có thể giao tiếp với nhau qua mạng Internet. Có nhiều nguyên nhân của kết quả trên, nhưng trong đó phải kể đến một nguyên nhân quan trọng đó là việc số hóa, xây dựng, cập nhật học liệu số, thẩm định, chia sẻ học liệu số đòi hỏi sự đầu tư lớn về nhân lực (gồm cả nhân lực quản lý và nhân lực triển khai) cũng như tài chính để đảm bảo kho học liệu số đầy đủ, đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo của học sinh, sinh viên ở các cấp học, ngành học, môn học.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của ngành, với 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục (50% học sinh, 100% giáo viên phổ thông có đủ điều kiện tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến; tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trên 5% ở bậc tiểu học, trên 10% ở bậc trung học); đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu. Định hướng đến năm 2030, tất cả các thành tố trong hệ thống giáo dục của tỉnh được đưa vào môi trường số.
Chuyển đổi số là vấn đề mới, chưa có mô hình thành công tương tự trong nước để học tập, đòi hỏi ngành Giáo dục phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thực tiễn triển khai và ý kiến góp ý của các cơ sở giáo dục, các phòng GD&ĐT là cơ sở quan trọng để triển khai thực tế về chuyển đổi số, bởi vậy rất cần sự chủ động của các cơ sở để góp phần thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong ngành.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()