Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:01 (GMT +7)
Thành quả từ sự nỗ lực
Thứ 7, 24/02/2024 | 20:00:13 [GMT +7] A A
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là hành trình không có điểm dừng và người dân là chủ thể được hưởng lợi từ những thành quả đó. Vì thế, thực hiện chương trình xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đã đạt những thành tựu ấn tượng, tạo đà quan trọng trong chặng đường xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Những quyết sách hợp lòng dân
Tỉnh Quảng Ninh xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp với 53 xã còn khó khăn về mọi mặt, trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao 7,7%. Nhằm tập trung nguồn lực xây dựng NTM, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 27/10/2010 về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Đây cũng là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên nhiệm kỳ 2010-2015. Nghị quyết đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhà nước chỉ làm vai trò hỗ trợ, chủ thể chính xây dựng NTM là nhân dân. Chương trình được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ; tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu; ưu tiên vốn ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH cho những địa phương thực hiện tốt các tiêu chí không cần đầu tư và địa phương về đích sớm.
Ở giai đoạn đầu (2010-2015) tỉnh định hướng xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ thể chính xây dựng NTM là người dân, tập trung đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng KT-XH trọng yếu, đồng bộ ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí.
Giai đoạn 2 (2016-2020) tập trung xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài, tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến, tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, đầu tư của doanh nghiệp là động lực.
Còn trong giai đoạn 3 (2021-2025) tỉnh chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, hướng tới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Bên cạnh đó, tỉnh linh hoạt trong việc điều hành ngân sách, trong đó đã ban hành các quy định phân cấp quản lý theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, giảm dần đầu tư từ ngân sách, huy động tốt các nguồn lực đầu tư toàn xã hội.
Giai đoạn 2010-2022, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt trên 233.600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2010-2020 là gần 173.000 tỷ đồng (bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ 357,8 tỷ đồng/năm); giai đoạn 2021-2022 là trên 60.800 tỷ đồng (bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ 703 tỷ đồng/năm). Năm 2023, tổng huy động nguồn lực xây dựng NTM là 34.040 tỷ đồng.
Để NTM phát triển bền vững
Tỉnh Quảng Ninh thực hiện xây dựng NTM từ năm 2010. Trong quá trình thực hiện, tỉnh được đánh giá thực hiện đồng bộ các tiêu chí, chỉ tiêu đề ra, trong đó được đánh giá cao các tiêu chí, chỉ tiêu về hạ tầng, phát triển sản xuất, thu nhập, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển giáo dục, y tế. Tỷ lệ hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM rất cao. Mỗi một địa phương đều vận dụng linh hoạt, có những cách làm riêng có, sáng tạo để NTM ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, tạo vùng nguyên liệu; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất.
Đến nay, đã có một số nhà đầu tư lớn triển khai các dự án trọng điểm. Đó là: Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TX Đông Triều của Tập đoàn Vingroup; Dự án chăn nuôi bò thịt của Công ty CP Phú Lâm; Dự án mở rộng phát triển chăn nuôi của Công ty Thiên Thuận Tường; Dự án sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản tại huyện Đầm Hà của Công ty BIM... Đặc biệt, tỉnh đang hỗ trợ Tập đoàn TH triển khai đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân tại huyện Đầm Hà.
Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Theo đó, tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống cấp, quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi trồng thủy sản và các trang trại lớn trong tỉnh; số hóa cơ sở dữ liệu 3 loại rừng và quản lý tài nguyên rừng, diễn biến rừng tích hợp vào bản đồ đất đai của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý quản lý nuôi tôm nước lợ.
Đồng thời, duy trì, vận hành, bổ sung, cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh; tổ chức thu thập, số hóa cập nhật dữ liệu liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh và sản phẩm nông, lâm, thủy sản đăng tải lên hệ thống tại địa chỉ https://qn.check.net.vn/.
Từ những kết quả đã đạt được, thời điểm này, tỉnh đã có 100% địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2 huyện Đầm Hà và Tiên Yên đạt chuẩn NTM nâng cao. Riêng với huyện Đầm Hà và Tiên Yên là 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao đầu tiên trong cả nước theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025. Huyện Bình Liêu là huyện cuối cùng của tỉnh đạt chuẩn NTM và là huyện đồng bào DTTS đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM. Kết quả trên là điều kiện quan trọng để tỉnh đẩy nhanh mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()