Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 10:36 (GMT +7)
Thanh toán bằng thẻ - lợi nhưng khó khăn, nếu...
Chủ nhật, 23/10/2011 | 05:25:51 [GMT +7] A A
“Thanh toán không dùng tiền mặt”. Người Việt Nam chúng ta cứ tưởng đó là một phát kiến mới mà những nhà quản lý tiền tệ, những ngân hàng nghĩ ra để gây khó khăn cho người tiêu dùng. Thực ra, đây là việc mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã sử dụng từ lâu lắm rồi và là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý nhà nước, quản lý tài chính và thực hiện minh bạch tài chính trên thế giới.
Chúng ta khoan nói về những “lý luận cao siêu” bởi nhiều cái chúng ta còn chưa hiểu hết, chỉ cần bàn đến những cái lợi trước mắt có thể nhìn thấy đối với những người bán hàng và người tiêu dùng khi sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Với các nhà bán hàng, nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ, sẽ rất nhiều tiện lợi. Không cần kế toán đếm tiền (sẽ mất rất nhiều thời gian nếu bán các loại hàng giá trị cao và người mua lại dùng tiền mệnh giá thấp) không cần thủ quỹ cất tiền, không cần bảo vệ trông tiền, không cần người áp tải khi đi nộp tiền, không lo tiền giả, tức thời sử dụng tiền vào giao dịch khác...
Với người tiêu dùng cũng là vô vàn tiện lợi. Không phải lo giữ khư khư cái túi tiền khi đi vào chợ và đi mua sắm ở các trung tâm siêu thị lớn, đặc biệt là số tiền lớn. Rảnh tay để mà chọn hàng, ngắm hàng.
Không sợ tiền giả, tiền thật. Đây cũng là nỗi ám ảnh lớn của các bà nội trợ, vì tiền giả hiện nay khá nhiều.
Nếu kết hợp với việc không tích vàng, đô la ở nhà thì kẻ trộm sẽ ít viếng thăm hơn hoặc nếu có thì cũng chỉ là trộm vặt. Trong thực tế, các vụ cướp, trộm dẫn đến giết người đều do kẻ trộm đột nhập để lấy tiền, vàng là chính.
Những tiện ích nhìn thấy như vậy nhưng tại sao người tiêu dùng lẫn người bán hàng hiện nay không mặn mà với việc thanh toán bằng thẻ?
Thứ nhất, hệ thống các cửa hàng có thể thanh toán bằng thẻ còn ít, nhiều lúc có thẻ cũng chịu. Điều này, các ngân hàng cần quan tâm hơn, đừng bắt người ta chặt cây mà chẳng có dao.
Thứ hai, nếu thanh toán ngoài hệ thống, mỗi ngân hàng có mức phí khác nhau.
Điều này là không nên và cần thống nhất mức phí chung trong toàn hệ thống, tránh gây tâm lý khó chịu cho cả người mua và người bán.
Thứ ba, theo nguyên tắc, khi thanh toán bằng thẻ, người bán hàng phải chịu một khoản phí khoảng 2% (thực ra trong giá bán đã có khoản này rồi). Thế nhưng người bán sẽ tìm cách đẩy khoản phí này sang người mua (khi hàng không niêm yết giá). Còn người mua, dẫu có mua đúng giá vẫn cứ nghĩ mình phải chịu khoản phí đó. Vậy là người ta quay ra ủng hộ cho việc mua bán bằng tiền mặt.
Về phí khi thanh toán bằng thẻ, đây là quy định chung trong hệ thống tín dụng trên thế giới. Ở các nước tiên tiến, khi sử dụng thanh toán bằng tiền mặt, người bán hàng phải chịu phí cao hơn khi thanh toán bằng thẻ, nếu vượt mức quy định sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí phải ngồi tù. Còn ở Việt Nam, thanh toán bằng tiền mặt lại chẳng chịu loại phí nào. Khi mà nhà nước quyết tâm chuyển hệ thống thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán bằng thẻ thì quả là không công bằng và bất ổn. Cần thiết quy định ngay mức phí khi thanh toán bằng tiền mặt, chí ít phải bằng mức thanh toán bằng thẻ. Khi ấy, tự nhiên người ta sẽ “đòi” thanh toán bằng thẻ vì tính năng ưu việt của nó.
Chúng ta thường không đồng bộ khi thực thi một việc nào đó. Ví như quy hoạch nền nhà thì thấp, đường lại cao, vậy là đường cao hơn nhà. Việc chuyển đổi hệ thống thanh toán hiện nay cũng vậy. Các nhà quản lý vĩ mô cần có chính sách hợp lý, đồng bộ, đừng cứ “nói mãi mà không làm”!
Việt Nguyễn
Liên kết website
Ý kiến ()