Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 02:39 (GMT +7)
Thế giới thiếu 7 triệu tấn gạo, cơ hội cho Việt Nam
Thứ 2, 27/05/2024 | 14:05:06 [GMT +7] A A
Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 thấp hơn so với mức tiêu thụ khiến thế giới thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo, tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Đó là nhận định được Bộ Công Thương đưa ra khi báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình xuất khẩu gạo và dự báo xuất khẩu trong thời gian tới.
Nguồn cung gạo toàn cầu không còn dồi dào
Dẫn ra dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Bộ Công Thương cho rằng nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn.
Các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Theo đó, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Cũng theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), tỉ lệ các quốc gia và khu vực không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới.
Vì vậy, gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Tuy các mặt hàng lúa mì và ngô là hai mặt hàng lương thực phân khúc tiêu dùng khác nhưng phần nào sẽ tác động đến giá gạo trong thời điểm nhất định.
Bộ Công Thương cho rằng xuất khẩu gạo có thuận lợi đó là kết quả đạt được trong quý 1-2024 có dấu hiệu khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2023 nhờ tình hình kinh tế vĩ mô của thế giới.
Thêm nữa, Việt Nam tiếp tục tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu về việc xem xét tiến tới ký kết bản ghi nhớ thương mại gạo tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước.
Ngoài ra, Việt Nam cũng mở rộng đàm phán, ký kết bản ghi nhớ về thương mại gạo với các thị trường mới. Việc nâng cấp Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ trong năm 2023, các lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines với các nội dung hợp tác thương mại được thảo luận, hứa hẹn sự phát triển thương mại giữa Việt Nam với các nước này.
Các yếu tố của biến đổi khí hậu như nhiệt độ trung bình tăng cao, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, thiên tai… đã tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng và canh tác nông nghiệp nói chung trên thế giới.
Vẫn còn thách thức cho gạo Việt
Mặc dù thực trạng này được đánh giá là làm giảm nguồn cung nhiều mặt hàng, trong đó có gạo, nâng giá các mặt hàng, song Bộ Công Thương cho rằng sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận và trở thành nhà cung cấp thay thế tại nhiều thị trường.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thách thức lớn đặt ra đó là tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt tập trung trong tháng 4 và tháng 5-2024 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ hè - thu năm 2024.
Nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động của El Nino.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, thương mại thế giới còn nhiều biến động, chưa thể phục hồi hoàn toàn, bộ cho rằng cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ và EU do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, tỉ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định hoàn toàn.
Cùng đó, những bất ổn do căng thẳng địa chính trị khu vực, toàn cầu và căng thẳng biển Đỏ gây ảnh hưởng tâm lý giao thương, quá trình giao nhận và giá cả nhiều mặt hàng quan trọng.
Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine (hai nhà xuất khẩu lớn về lúa mì, ngô, dầu hướng dương) đã khiến cho nguồn cung của lúa mì, bắp, dầu hướng dương bị gián đoạn, đẩy giá những mặt hàng này lên cao và gây bất ổn trong nguồn cung các mặt hàng này.
Theo FAO, tỉ lệ các quốc gia và khu vực không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới. Vì vậy, gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.
Tuy các mặt hàng lúa mì và ngô là hai mặt hàng lương thực thuộc phân khúc tiêu dùng khác nhưng phần nào sẽ tác động đến giá gạo trong thời điểm nhất định.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()