Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:25 (GMT +7)
Thị trường gạo thế giới biến động trái chiều, giá gạo Việt tìm lại ''ngôi vương''
Thứ 2, 22/04/2024 | 15:02:45 [GMT +7] A A
Sản lượng nhập khẩu gạo Philippines tăng mạnh cùng thông tin Indonesia sẽ mở thầu trong tháng 4 được cho là nguyên nhân kéo thị trường gạo thế giới khởi sắc.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau chuỗi ngày giảm sâu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này đã có dấu hiệu tăng trở lại. Mặc dù mức tăng chưa cao nhưng đây là tín hiệu cho thấy thị trường gạo đang có triển vọng tốt hơn. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 19/4, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam tăng 4 USD, lên mốc 582 USD/tấn.
Cùng đà tăng có gạo của Thái Lan. Theo đó, gạo cùng phẩm cấp của nước này hiện ở mức 579 USD/tấn (tăng 4 USD). Riêng gạo Pakistan ngược chiều giảm 6 USD, xuống còn 581 USD/tấn.
Với việc điều chỉnh này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lấy lại vị trí ngôi đầu khi cao hơn Thái Lan 3 USD và Pakistan 1 USD.
Giá gạo của Việt Nam và Thái Lan tăng trở lại được nhận định do yếu tố nguồn cung. Theo đó, Việt Nam hiện đã vào cuối vụ thu hoạch lúa Đông xuân, nguồn hàng gạo đẹp còn ít, giá chào bán trong nước giữ ở mức cao.
Tương tự, tại Thái Lan, mặc dù vẫn trong giai đoạn rộ vụ nhưng cả người bán lẫn người mua đều chậm nhịp giao dịch lại và chờ cho thị trường điều chỉnh về mặt bằng giá mới.
Ngoài yếu tố trên, theo VFA thị trường gạo thế giới còn chịu tác động từ nhu cầu của 2 nhà nhập khẩu lớn là Philippines và Indonesia. Trong đó, với Philippines, trong báo cáo Thương mại và Thị trường Thế giới mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy, Philippines vẫn là nước nhập khẩu mặt hàng chủ lực hàng đầu trên thị trường quốc tế và dự báo sẽ nhập khẩu 4,1 triệu tấn vào năm 2024.
Dữ liệu thống kê khác từ Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) của Bộ Nông nghiệp Philippines cũng chỉ ra, 3 tháng đầu năm nay khối lượng gạo nhập khẩu của Philippines đã tăng 24,21% đạt 995.841,6 tấn. Đáng chú ý, có đến 57,8% lượng gạo nhập khẩu của Philippines đến từ Việt Nam với 576.364,3 tấn.
Những thông tin nói trên được các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam nhận định sẽ tác động tích cực tới thị trường gạo Việt trong thời gian tới. Và thực tế, trong tháng 4/2024 này đã có nhiều nhà nhập khẩu từ Philippines tìm đến Việt Nam để mua gạo.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành 4, thời điểm giá gạo Việt Nam cao các thương nhân Philippines tìm đến gạo Thái Lan và nguồn cung khác có giá cạnh tranh hơn. Tuy vậy, gạo Việt Nam có mùi hương phù hợp với khẩu vị của người dân Philippines, cùng với đó là mức giá đang rất cạnh tranh nên có nhiều thương nhân Philippines đã sang Việt Nam để mua hàng. “Thương nhân Philippines biết nếu không mua bây giờ thì một tháng sau sẽ không còn hàng đẹp để mua bởi gạo vụ Hè Thu chất lượng thấp hơn vụ Đông Xuân”- ông Thành nói.
Với Indonesia, VFA thông tin, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) có khả năng sẽ tiếp tục mở thầu nhập khẩu gạo trong tháng 4/2024 này. Việc đấu thầu mua gạo là nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm tăng cường nhập khẩu gạo để hạ giá gạo nội địa sau một vụ mùa địa phương sụt giảm vì hiện tượng thời tiết El Nino.
Được biết, năm 2024, Bulog được cấp hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, do vụ thu hoạch lớn vào tháng 3 và 4 bị trễ đến 2 tháng nên Chính phủ Indonesia đã phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo bổ sung 1,6 triệu tấn cho năm nay, nâng mức nhập khẩu cả năm lên 3,6 triệu tấn. Tính từ đầu năm 2024 tới hết tháng 3/2024, Bulog đã mở thầu 3 lần (lần đầu vào 29/1, lần 2 vào 27/2 và lần 3 vào 25/3) với lượng gạo nhập khẩu đạt khoảng 1,1 triệu tấn.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 226,16 nghìn tấn gạo sang Indonesia, tương đương mức trị giá đạt 143,36 triệu USD, tăng 17,85% về lượng và tăng 15,98% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia tổng 445,32 nghìn tấn gạo, tương đương mức trị giá đạt 285,05 triệu USD, tăng 199,71% về lượng và tăng 308,79% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()