Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:01 (GMT +7)
Thích ứng với tăng giá điện
Thứ 4, 23/10/2024 | 10:11:50 [GMT +7] A A
Nhiều doanh nghiệp (DN) TPHCM đánh giá, việc tăng giá điện là điều “không sớm thì muộn”. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để kìm hãm chi phí đầu vào tăng theo giá điện, không ít DN triển khai các giải pháp nhằm thích ứng tình hình thực tế.
Tăng chi phí
Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 22/10, ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất Thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi (huyện Củ Chi, TPHCM) nói rằng, việc tăng giá điện là chuyện không quá bất ngờ. Tuy nhiên, việc này sẽ tác động mạnh mẽ đến chi phí sản xuất của DN, nhất là công ty Cát Vạn Lợi chuyên về lĩnh vực cơ khí điện, bị ảnh hưởng rất nhiều khi thị trường xây dựng Việt Nam rơi vào khó khăn. Hiện nay, DN mới khởi sắc trở lại sau khi tham gia vào dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), sân bay Nội Bài (Hà Nội)… DN cũng chỉ vừa mở rộng thị trường sang các nước ASEAN như Campuchia…
Theo ông Lâm, trong bối cảnh suy thoái kinh tế trong nước và thế giới, DN buộc phải cạnh tranh khốc liệt để duy trì thị phần, không thể tăng giá bán trong giai đoạn này do sợ mất khách hàng, trong khi chi phí sản xuất ngày càng cao. Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng chính trị toàn cầu có thể đẩy giá nhiên liệu lên cao hơn nữa, khiến chi phí đầu vào tiếp tục tăng, gây thêm gánh nặng cho các nhà sản xuất.
“Giá điện tăng thêm gần 4,8%, vị chi mỗi tháng công ty sẽ trả thêm hơn 20 triệu đồng riêng cho khoản tiền điện. Nếu tính thêm các chi phí khác cũng đang tăng như giá nguyên liệu đầu vào, xăng dầu, logistics… thì chi phí tăng thêm của doanh nghiệp lên đến vài trăm triệu đồng/năm”, ông Lâm phân tích.
Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, đại diện cơ sở sản xuất nhựa Minh Huy (quận Bình Tân) chuyên sản xuất hàng tiêu dùng cho biết, giá điện chiếm khoảng 10 - 15% trong cơ cấu giá thành phẩm. Giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc kinh doanh vì nguyên liệu đầu vào đã tăng giá những tháng đầu năm 2024. Trong khi đó, sức mua trên thị trường hiện nay khá yếu. “Chúng tôi không thể tăng giá trong giai đoạn này bởi cả năm qua, việc kinh doanh rất khó khăn. Cơ sở chỉ trông chờ vào những tháng cuối năm để bán được hàng, nay nếu tăng giá thì người tiêu dùng quay lưng không mua. Khách hàng sẽ chọn những sản phẩm cùng loại của nước khác có giá rẻ hơn”, bà Tiên nói.
Theo nhiều DN, khi chi phí nhiên liệu, cụ thể là giá điện tăng thêm, nếu không tăng giá sản phẩm khi đưa ra thị trường thì lợi nhuận cuối năm sẽ giảm. Tuy nhiên trong bối cảnh sức mua các ngành hàng đang trong tình trạng ảm đạm như hiện nay, DN rất cân nhắc việc tăng giá bán.
Tìm cách thích ứng
Trước bài toán tăng thêm chi phí đầu vào, thay vì than thở, Công ty Cát Vạn Lợi tìm cách thích ứng. Đó là tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình sản xuất; giảm lãng phí trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Và phương án cuối cùng là xanh hóa bằng cách sử dụng điện năng lượng mặt trời. Nếu lắp đặt điện mặt trời, công ty dự toán đầu tư chi phí khoảng 1 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Lâm, Giám đốc Công ty may Thuận Phát (TP Thủ Đức), tăng giá điện là quy luật tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng. Việc tăng giá sẽ giúp mọi người dân có trách nhiệm hơn trong sử dụng điện tiết kiệm. “Khi giá điện tăng, các cơ sở sản xuất ít nhiều cũng sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí, tối ưu các dây chuyền hơn để vận hành tiết kiệm, thay đổi công nghệ... Đồng thời, việc này cũng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang các dạng năng lượng tái tạo như điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chi phí đầu tư điện mặt trời khá cao. Trong khi đó vào những ngày nghỉ, lễ, Tết…; những ngày DN không sản xuất nên dư điện, trong khi không thể bán lại được nên họ cũng không mạnh dạn đầu tư”, ông Lâm nói.
Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM, giá điện tăng là điều khó tránh khỏi bởi chi phí sản xuất điện tăng.
Ông Trần Văn Thoại - Giám đốc Công ty gỗ Minh Hưng (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, điện tăng giá vào thời điểm này là thách thức không nhỏ. Để thích ứng, DN này thực hiện nhiều giải pháp như chia nhiều khung giờ để hoạt động, trong đó hạn chế tối đa vận hành vào giờ cao điểm. DN cũng tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại, đồng thời phát động thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nhiên liệu… “Ban lãnh đạo công ty vừa có văn bản hướng dẫn công nhân vận hành máy móc thiết bị mới để tiết giảm tối đa chi phí vận hành. Thời điểm này, một số tổ máy có thể vận hành tối ưu vì thiết bị mới”, ông Thoại nói.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()