Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 02:23 (GMT +7)
Những nhận định mới về Thiên Long Uyển
Chủ nhật, 16/01/2022 | 14:02:02 [GMT +7] A A
Tại hội thảo khoa học quốc gia “Vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288” do Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Sở Khoa học - Công nghệ và Trường Đại học Hạ Long phối hợp tổ chức ngày 18/12/2021, nhiều nhà khoa học đã đưa ra những nhận định mới về di tích này.
Thiên Long Uyển nghĩa là vườn nghìn rồng, là một di tích quan trọng đặc biệt, bao gồm toàn bộ vùng núi Thiên Liêu (xã Yên Đức, TX Đông Triều) của nhà Trần với phần núi và vùng bãi triều nằm giữa núi Thiên Liêu và sông Đá Bạc. Đây được coi là đại bản doanh hai vua Trần được bảo vệ một cách có ý thức, là nơi linh thiêng có thể đã diễn ra các lễ nghi. Thiên Long Uyển chính là địa danh lịch sử, một địa chỉ văn hoá, một điểm kết nối trong toàn bộ không gian lịch sử và văn hoá gắn với vương triều Trần, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
PGS.TS Vũ Văn Quân, Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội, nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng Chủ nhiệm đề tài, nhận định: Chiến thắng Bạch Đằng thể hiện tinh thần, sức lao động và nghệ thuật quân sự của quân và dân nhà Trần. Đó là tài sản to lớn và có giá trị quan trọng của nghệ thuật quân sự cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và truyền bá. Tuy nhiên, sự hiểu biết về trận chiến Bạch Đằng còn nhiều điểm mờ cần được tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ như: Bố trí trận địa thế nào, phạm vi trận địa đến đâu? Sự phối hợp tác chiến giữa các lực lượng, các cánh quân ra sao? Tổng hành dinh mặt trận ở đâu, vai trò của cánh quân do Trần Hưng Đạo và cánh quân do hai vua Trần chỉ huy thế nào?
Cũng tại hội nghị, các nhà khoa học thảo luận về các vấn đề liên quan đến Thiên Long Uyển nói riêng và Chiến thắng Bạch Đằng nói chung; làm rõ thêm những tư liệu và kết quả nghiên cứu mới tại Thiên Long Uyển; đánh giá về vị trí của Thiên Long Uyển, phạm vi chiến trường của trận Bạch Đằng năm 1288; phương tiện, vũ khí của quân Mông - Nguyên và nhà Trần; các bằng chứng chiến trường, phương pháp tiếp cận và diễn giải các vấn đề liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288. Đồng thời, nhận định Thiên Long Uyển và lưu vực sông Bạch Đằng - Đá Bạc trong giai đoạn Văn minh Đông Sơn; bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thiên Long Uyển trong sự kết nối với các di sản khác của Quảng Ninh và các tỉnh, thành lân cận.
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận có giá trị như: GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, bàn về vị thế của Đông Triều trong chiến thắng Bạch Đằng 1288; TS Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam, phân tích địa thế và vai trò của các bãi cọc trong chiến dịch Bạch Đằng - Nhận thức từ những kết quả nghiên cứu khảo cổ học gần đây; TS. Nguyễn Hữu Mạnh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội, nhân văn nghiên cứu về tàu thuyền Mông Nguyên trong lịch sử; cử nhân Bùi Xuân Tùng, học viên cao học Trường Đại học Sư phạm Nam Kinh (Trung Quốc) khảo cứu về vũ khí Tống - Nguyên qua tư liệu lịch sử Trung Quốc...
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đánh giá: Vùng cửa sông Bạch Đằng có vị trí vai trò hết sức quan trọng nơi đón lõng đánh các đội quân xâm lược bằng đường thủy. Vì thế, vị thế của con sông cần tiếp tục được nghiên cứu, tìm hiểu để đưa ra những minh chứng thuyết phục giới khoa học, thuyết phục xã hội cả nước ngoài nữa. Chúng ta phải chứng minh rằng những cọc gỗ khai quật ở đây có phải là cọc nhà sàn nhổ lên dùng lại cắm xuống sông hay không, nếu không thì là cọc loại gì? Vấn đề đặt ra rất lớn. Phải tìm cho được dấu vết một chiến trận cụ thể. Tàu cháy ở đâu thu về thế nào?. Cả một chiến trường lớn như thế chả lẽ lại không để lại một dấu vết cụ thể gì?. Chúng ta cần tìm tiếp, tìm ra được một chiến trận rồi sẽ tìm được cả diễn biến của chiến trận và rõ ràng chúng ta chưa thể có một kết luận cuối cùng vào lúc này.
Hay như đào được cọc gỗ niên đại Đông Sơn ở Thiên Long Uyển thì phải chứng minh tiếp xem cư dân Đông Sơn ở đây bao nhiêu năm. Những khu rộng thế chả lẽ cũng không để lại những di tích gì về cuộc sống của họ. Không gian Văn minh Đông Sơn đang được mở ra chứng tỏ nơi này có một vị trí hết sức đặc biệt. Chúng ta cũng không thể khoanh câu chuyện này lại của riêng Quảng Ninh, hay Hải Phòng hay thời Trần hay thời nào. Chúng ta cũng đừng lấy con sông làm ranh giới để tách bạch Hải Phòng hay Quảng Ninh ra mà nghiên cứu riêng rẽ. Dư địa nghiên cứu còn rất nhiều. Vì thế, việc nghiên cứu không thể dừng lại ở một chuyên ngành mà là vấn đề nghiên cứu liên ngành. Cần có một đề án để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới và Thiên Long Uyển là di tích vô cùng quan trọng đủ sức để xây dựng một bộ hồ sơ để đề nghị xếp hạng ở cấp nào - GS.TSKH Vũ Minh Giang bày tỏ quan điểm.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()