Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 12:20 (GMT +7)
Thiếu vitamin B12 gây bệnh gì?
Thứ 5, 21/07/2022 | 14:57:01 [GMT +7] A A
Cơ thể chúng ta không thể tự sản sinh ra vitamin B12, vì vậy có thể bổ sung vitamin B12 từ nguồn thức ăn, dinh dưỡng hằng ngày.
Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Ăn uống không khoa học, điều độ, mất cân bằng dinh dưỡng có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt vitamin B12 cũng như các loại vitamin khác. Vậy Thiếu vitamin B12 gây bệnh gì? Nên bổ sung vitamin B12 như thế nào?
1. Nguyên nhân gây thiếu Vitamin B12
Vitamin B12 có ở nhiều thực phẩm được sử dụng hàng ngày nên thông thường mọi người sẽ được cung cấp đầy đủ hàm lượng Vitamin B12 cho cơ thể hoạt động. Vitamin B12 có thể tích lũy trong cơ thể lên tới vài năm. Để chẩn đoán hàm lượng Vitamin B12 trong cơ thể, các bạn có thể đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm.
Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt Vitamin B12 là do khả năng hấp thụ Vitamin của cơ thể kém. Để có thể hấp thụ lượng Vitamin B12 thì hệ tiêu hóa cần phải tiết ra một loại Protein đặc hiệu có thể liên kết được với Vitamin B12 và hòa tan vào máu đi nuôi cơ thể.
Khi con người ở tuổi càng cao, khả năng hấp thụ của đường ruột kém, tăng khả năng gây thiếu Vitamin B12. Đặc biệt, thiếu Vitamin B12 sẽ có nguy cơ cao hơn ở những nhóm người sau:
- Người mắc các bệnh viêm teo dạ dày, trong đó niêm mạc dạ dày đã mỏng đi.
- Người bị thiếu máu: Cơ chế Protein đặc hiệu kết hợp với Vitamin B12 hòa tan trong máu đi nuôi cơ thể. Thiếu máu dẫn tới tình trạng khó hấp thụ Vitamin B12 hơn.
- Nhóm người có vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng tới ruột non như: bệnh Crohn, bệnh Celiac, vi khuẩn phát triển hay ký sinh trùng.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch: bệnh Graves, lansoprazole và một số loại thuốc điều trị tiểu đường như metformin (GLucophage).
2. Thiếu vitamin B12 gây bệnh gì?
Nếu như cơ thể thiếu Vitamin B12 ở thể nhẹ, có thể sẽ không có biểu hiện, triệu chứng ra bên ngoài. Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu hụt vitamin này không được phát hiện và bổ sung kịp thời, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, cụ thể:
2.1. Suy nhược cơ thể, đau đầu, chóng mặt
Đây là những triệu chứng thường gặp nhất ở những người thiếu Vitamin B12. Khi nguồn cung ứng Vitamin bị thiếu hụt, khiến cơ thể tạo ra ít hồng cầu, mà trong khi hồng cầu cần thiết cho quá trình vận chuyển oxy. Từ đó dẫn tới việc cơ thể suy nhược, buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, khiến nhiều người nhầm tưởng với tình trạng thiếu ngủ, làm việc quá sức.
Nếu tình trạng này được kéo dài mà không có dấu hiệu thuyên giảm, hoặc khi đã được khắc phục bằng cách cải thiện giấc ngủ, công việc mà không có tác dụng thì rất có thể cơ thể đang thiếu Vitamin B12. Lúc này, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán.
2.2. Tổn thương thần kinh, tê bì chân tay
Khi cơ thể thiếu Vitamin B12 sẽ gây ra tình trạng suy nhược, tê bì chân tay, tổn thương hệ thần kinh. Bởi hệ thần kinh có hoạt động tốt được là nhờ sự góp mặt quan trọng của Vitamin B12.
Vitamin B12 còn là chất cần thiết cho sự hình thành lớp bảo vệ bên ngoài các sợi thần kinh, giúp tăng tốc dẫn truyền xung thần kinh. Vì vậy nếu tình trạng thiếu Vitamin B12 còn có thể gây ra các bệnh lý nguy hiểm hơn như thoái hóa tủy sống, các dây thần kinh ngoại biên, dây thần kinh thị giác…
2.3. Thiếu Vitamin B12 gây giảm thị lực
Thiếu Vitamin B12 là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh thị giác. Từ đó gây ra suy giảm thị lực, nặng hơn có thể ảnh hưởng gây ra bệnh thần kinh thị giác. Bệnh này sẽ thường xảy ra với nhóm người không tiêu thụ thức ăn dinh dưỡng từ động vật.
Để tăng cường và giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan tới thị giác, ngoài bổ sung Vitamin B12 thì nên bổ sung thêm Vitamin E và DHA. Khi được bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong một thời gian dài sẽ giúp tăng thị giác và độ nhạy của võng mạc. Hơn nữa còn có thể làm giảm khả năng bị đục thủy tinh thể.
2.4. Trầm cảm, mất trí nhớ
Serotonin là một trong những chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh cũng như cân bằng tâm trạng của cơ thể. Nếu như cơ thể có hiện tượng thiếu hụt các loại Vitamin nhóm B đặc biệt là thiếu Vitamin B12 sẽ gây tác động tới việc sản sinh ra Serotonin. Từ đó gây mất cân bằng trạng thái của cơ thể, dễ bị trầm cảm, mất trí nhớ. Để không xảy ra tình trạng này hãy chú ý bổ sung hàm lượng Vitamin nhóm B đầy đủ.
2.5. Rối loạn tiêu hóa
Cơ thể bị thiếu Vitamin B12 cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi và chán ăn. Nguy hiểm hơn nếu để tình trạng này kéo dài có thể trở thành mãn tính.
Tuy nhiên, tình trạng này sẽ nhanh chóng được khắc phục khi cơ thể được cung cấp lượng Vitamin B12 đầy đủ trong một thời gian. Nhưng hàm lượng Vitamin B12 bổ sung vào cơ thể phải được hấp thụ tốt. Mà để hấp thụ được vitamin này cần một loại Protein trong dạ dày tiết ra. Nếu hệ tiêu hóa bị thiếu hụt Protein thì cần phải bổ sung bằng cách khác. Bạn có thể gặp bác sĩ để được tham khảo và kiểm tra kỹ hơn.
2.6. Da có hiện tượng tái nhợt
Cơ thế bị thiếu Vitamin B12 sẽ khiến da có hiện tượng tái nhợt hoặc vàng ở tròng trắng của mắt. Đây là tình trạng xảy ra do hồng cầu trong máu sản sinh không đúng cách, kích thước lớn hơn, dễ vỡ và không phân chia. Vì kích thước lớn nên hồng cầu không thể lưu thông trong máu, lượng hồng cầu ít dẫn tới tình trạng da nhợt nhạt.
2.7. Khó thở tim đập nhanh
Nếu có cảm giác khó thở khi gắng sức, tim đập nhanh thì rất có khả năng cơ thể đang bị thiếu hụt Vitamin B12. Nguyên nhân là do vitamin B12 góp phần vào việc sản xuất ra hemoglobin - Một loại Protein giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể, do vậy lưu lượng oxy tới các mô bị thiếu gây ra tình trạng khó thở, tim đập nhanh.
Vì vậy nếu thường xuyên có tình trạng khó thở, tim đập nhanh hãy đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chính xác hơn.
3. Cách phòng ngừa thiếu vitamin B12
Thiếu hụt vitamin B12 sẽ tác động nhiều tới sức khoẻ, nếu để tình trạng lâu dài có thể mắc các bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, các bạn nên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tránh để cơ thể thiếu hụt vitamin B12 cũng như các loại vitamin khác, cụ thể:
- Bổ sung vào chế độ những thực phẩm như thịt, trứng, hải sản, gan động vật, ngũ cốc, các sản phẩm chế phẩm từ sữa, ... Ngoài ra, các bạn nên lựa chọn thêm nhiều thực phẩm giàu dưỡng chất và vitamin như cá, rau xanh, các loại hạt, hoa quả, ...
- Trong trường hợp bạn đang gặp vấn đề nào đó về sức khỏe liên quan tới đường ruột, khiến khả năng hấp thụ dinh dưỡng của bạn kém hơn, hãy tới gặp bác sĩ để được tư vấn bổ sung vitamin B12 ở dạng viên Vitamin tổng hợp và sử dụng các thực phẩm khác giàu Vitamin.
Có thể nói rằng, việc thiếu hụt vitamin B12 có những ảnh hưởng nhất định tới sức khoẻ. Vì vậy, các bạn nên bổ sung đầy đủ thực phẩm có chứa vitamin B12 cũng như các dưỡng chất khác. Nếu tình trạng thiếu hụt vitamin B12 nghiêm trọng, nên đến bệnh viện để được tư vấn và chẩn đoán.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()