Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 02:14 (GMT +7)
Thông cáo báo chí số 26 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Thứ 3, 26/11/2024 | 23:14:01 [GMT +7] A A
Trong ngày làm việc thứ 26, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Thứ Ba, ngày 26/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 26 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Nội dung 1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe các nội dung sau:
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Báo cáo công tác năm 2024 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2024.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Sau đó, Quốc hội thảo luận về các nội dung: các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024. Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024.
Tại phiên thảo luận đã có 22 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung cụ thể như sau: Về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024: công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ, việc dân sự; công tác giải quyết yêu cầu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của tòa án nhân dân các cấp; công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính.
Các đại biểu thảo luận về công tác kiểm sát thi hành án; kết quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới; công tác thẩm định giá tài sản trong giải quyết các vụ việc dân sự; kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, hạn chế và các giải pháp khắc phục; dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian tới; việc chấp hành pháp luật trong công tác xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực: trật tự, an toàn giao thông, cháy nổ; phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, nhận hối lộ, tội phạm kinh tế, tội phạm giết người, tình trạng lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tình hình vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.
Các ý kiến đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm; nâng cao chất lượng dự thảo Luật Thi hành án dân sự; tăng số lượng thẩm phán và kiểm sát viên để giải quyết kịp thời các vụ án; đầu tư trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu xét xử phiên tòa trực tuyến.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần ký các hiệp định tương trợ tư pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về công tác phòng, chống tham nhũng.
Về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: kết quả, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; các vấn đề được nhiều cử tri quan tâm như: hạn chế, bất cập trong giáo dục, đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế; chính sách hỗ trợ đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, trẻ mầm non; vấn đề thanh toán bảo hiểm xã hội.
Các ý kiến đại biểu đề nghị cần rà soát, khẩn trương trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri còn tồn đọng; công khai thông tin về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội; thành lập Phòng thông tin dân nguyện tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024: ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; một số ý kiến đại biểu làm rõ thêm tình hình, kết quả thực hiện, đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành phân tích cụ thể hơn nguyên nhân của những vấn đề còn tồn đọng, kéo dài của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị nhiều giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nội dung 2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 452 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,36% tổng số đại biểu Quốc hội), có 449 đại biểu tán thành (bằng 93,74% tổng số đại biểu Quốc hội), có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội), có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,42% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,20% tổng số đại biểu Quốc hội), có 455 đại biểu tán thành (bằng 94.99% tổng số đại biểu Quốc hội), có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 451 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,15% tổng số đại biểu Quốc hội), có 407 đại biểu tán thành (bằng 84,97% tổng số đại biểu Quốc hội), có 36 đại biểu không tán thành (bằng 7,52% tổng số đại biểu Quốc hội), có 8 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,67% tổng số đại biểu Quốc hội).
Thứ tư, ngày 27/11, buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Từ 16 giờ 45, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()