Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 19:11 (GMT +7)
Thủ tướng: Không tăng giá điện, giảm giá nước sạch để kiểm soát lạm phát
Thứ 5, 02/07/2020 | 05:23:31 [GMT +7] A A
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu.
Phát biểu kết luận phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá vào sáng 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4% nhưng không thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Chính sách kiểm soát giá phải góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh doanh, kích thích tăng trưởng.
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản điều hành giá. Theo đó, kịch bản thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm nay tăng 3,64% so với năm 2019. Kịch bản thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng của năm nay tăng 3,95%. Tổng cục Thống kê cũng đưa ra hai dự báo, thứ nhất là CPI bình quân tăng từ 3,5-3,7% và kịch bản 2 tăng từ 3,8-4,1%.
Trong khi đó, phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn dư địa để kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn vậy phải tập trung vào việc kiểm soát giá thịt lợn, giá xăng dầu, giá sách giáo khoa mới…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. |
Trên cơ sở các ý kiến, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 4 yêu cầu quan trọng đối với nền kinh tế nửa cuối năm nay. Thứ nhất là thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao nhất có thể và Chính phủ phấn đấu tăng trưởng đạt 4%. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của các cấp, ngành và nhân dân. Thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội và chống thất nghiệp, bởi trên thế giới đang có hàng trăm triệu người mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây chính là cơ hội để chúng ta tăng cường công tác đào tạo nghề, tái cơ cấu đào tạo lao động.
Thứ ba là đặt mục tiêu kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng không quá 4%. Đây là yếu tốt rất quan trọng góp phần ổn định tỷ giá, qua đó thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người dân. CPI 6 tháng đầu năm tăng 0,66%, đưa CPI bình quân giảm dần từ mức cao 6,54% về mức 4,19%, dần tiệm cận với chỉ tiêu lạm phát ở mức không quá 4% Quốc hội giao. Thứ tư là đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nửa cuối năm xảy ra nhiều yếu tốt bất thường như mưa bão, lũ lụt. Song song với đó là dự trữ lương thực đảm bảo trong mọi hoàn cảnh, có thể can thiệp trong bất kỳ tình huống nào.
Trên cơ sở phân tích của các bộ, ngành, chuyên gia, Thủ tướng nhận định, có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu.
"Chúng ta kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đó là mục tiêu dứt khoát để có nhận thức thống nhất. Do đó phải rất linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hưởng đến phục hồi, mục tiêu tăng trưởng. Chúng ta tiếp tục khẳng định kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Chính sách kiểm soát giá phải góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh doanh, kích thích tăng trưởng. Cho nên nới lỏng chính sách tài khóa một bước, cung tiền ra xã hội tốt hơn nữa; một số gói hỗ trợ phải làm tốt hơn nữa, sửa đổi những quy định cứng nhắc, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn" - Thủ tướng cho biết.
Trong nhiều nhiệm vụ nêu ra, nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chủ trì với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản phù hợp với mục tiêu đề ra để đạt được con số dưới 4%. Trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng đầu cơ, nâng giá, gây biến động giá, độc quyền giá trái quy định, trong đó kiểm soát tốt đầu vào, chống đầu cơ nâng giá.
Định hướng điều hành giá một số mặt hàng cụ thể
Đối với điều hành giá một số mặt hàng cụ thể, trước hết là xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, lưu ý sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá xăng dầu, đồng thời bảo đảm cân đối nguồn cung trong nước và nhập khẩu xăng dầu để dự trữ phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Kiểm soát chặt chẽ gian lận tại các đơn vị bán lẻ và buôn lậu xăng dầu.
Đối với mặt hàng điện, không tăng giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.
Về mặt hàng nước sạch, Thủ tướng đã có chỉ đạo giảm giá nước sạch. Bộ Tài chính cần kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này để góp phần giảm chi phí sinh hoạt của người dân trong bối cảnh khó khăn. Giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xem xét để giảm giá phù hợp.
Về mặt hàng thịt lợn, Thủ tướng đánh giá cao, nhất trí với các biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra gồm tái đàn, tăng đàn, nhập lợn sống, xử lý vấn đề giống lợn để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn phù hợp. Bộ Công Thương phải chỉ đạo làm tốt khâu lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ để góp phần bình ổn giá thịt lợn.
Về giá gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm sản xuất lúa gạo (khoảng 43,5 triệu tấn thóc năm 2020 và có thể chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo). Bộ Tài chính thực hiện ngay việc thu mua dự trữ lúa gạo.
Về giá dịch vụ hàng không, vận tải, logistic, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Về giá dịch vụ giáo dục, y tế, hiện nay đời sống và thu nhập của nhiều người lao động và gia đình bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá các dịch vụ này phù hợp, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin truyền thông phải minh bạch, kịp thời, để người dân hiểu và đồng thuận với chính sách của Nhà nước. Cùng với đó là xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, độc quyền giá trái quy định.
Theo Vũ Dũng/VOV
Liên kết website
Ý kiến ()