4
18
/
906819
Thu và sử dụng phí tham quan Yên Tử - Bài 1: Tăng nguồn lực cho bảo tồn, phát triển di sản
longform
Thu và sử dụng phí tham quan Yên Tử - Bài 1: Tăng nguồn lực cho bảo tồn, phát triển di sản

 

Yên Tử là một quần thể di tích lớn, gồm hàng trăm điểm chùa, am, tháp trải dài từ dưới chân núi lên tới đỉnh chùa Đồng. Các di tích trầm mặc, linh thiêng nằm xen trong mây núi và màu xanh bạt ngàn giữa rừng quốc gia Yên Tử cả ngàn năm nay. Nhưng quy luật tự nhiên, di sản không vĩnh hằng mãi với thời gian...

 

Với độ cao lớn, trên đỉnh thiêng là chùa Đồng cao 1.068m so với mực nước biển, nên nhiều chùa, am, tháp của Yên Tử gần như quanh năm mây phủ, điều kiện ẩm ướt cao đồng nghĩa với sự tác động rất lớn từ tự nhiên. Cộng với số lượng hàng trăm di sản trong quần thể, trải qua thời gian, nhiều di tích đã bị xuống cấp hoặc chỉ còn là phế tích, như am Hoa, am Dược, các mộ tháp... đều cần được tôn tạo, nâng cấp và quản lý thường xuyên. Lượng du khách về Yên Tử cũng ngày một tăng, những năm gần đây đều lên tới hơn triệu khách mỗi năm. Kéo theo đó là yêu cầu đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng chung, quản lý nhà nước đối với các hoạt động tham quan, vãng cảnh, quản lý văn hoá, dịch vụ, đảm bảo ANTT, ATGT, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu hộ cứu nạn, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tổ chức và quản lý lễ hội...

Ông Lê Minh Quang, Trưởng Phòng VH-TT TP Uông Bí, cho hay, các nhu cầu về kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ kể trên ngày càng lớn hơn, trong khi đó ngân sách nhà nước lại chỉ đáp ứng được một phần. Nguồn thu từ tiền công đức, tiền giọt dầu của du khách đến với Yên Tử do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trực tiếp quản lý và sử dụng, chưa được sử dụng vào việc đầu tư tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh Yên Tử (trừ việc tôn tạo chùa Đồng, Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, một số tháp mộ tại vườn tháp).

CÁc
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết về thu phí tham quan danh thắng Yên Tử. Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Thực ra, kể từ năm 1986-2006, việc thu phí tham quan thắng cảnh Yên Tử đã được thực hiện, do Ban Quản lý Di tích Yên Tử (nay là Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử) thu, quản lý, sử dụng để đảm bảo hoạt động của bộ máy và trùng tu, tôn tạo các di tích. Từ năm 2007-2017, do yêu cầu đầu tư, tôn tạo chùa Đồng, xây dựng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, tỉnh đã chuyển nhiệm vụ thu, quản lý và sử dụng nguồn tiền công đức, giọt dầu cho Ban Trị sự GHPG tỉnh, đồng thời, tạm dừng việc thu phí tham quan, vãng cảnh tại Yên Tử. Đến nay, cả hai công trình đều đã hoàn thành, trong đó, chùa Đồng xong năm 2007 và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại An Kỳ Sinh là năm 2013.

Khắc phục những bất cập này, giải bài toán bảo tồn, phát triển di sản và rừng quốc gia Yên Tử, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ và bảo hiểm cho con người, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách bằng cách nào đây? Ngày 13/12/2017, HĐND tỉnh với sự nhất trí thông qua của 100% đại biểu có mặt, đã ban hành Nghị quyết số 88/2017/NQ-HĐND, trong đó có nội dung thu phí tham quan, vãng cảnh Khu di tích, danh lam thắng cảnh và rừng quốc gia Yên Tử, kể từ ngày 1/1/2018.

Việc thu phí tham quan như Yên Tử không phải là hiếm. Cả nước hiện có nhiều khu di tích, đền, chùa và danh lam thắng cảnh có quy mô khác nhau đang được pháp luật cho phép thu phí để duy trì hoạt động của bộ máy quản lý, trùng tu, tôn tạo các hạng mục, nâng cao chất lượng phục vụ du khách và đóng góp cho ngân sách địa phương. Tiêu biểu như: Chùa Hương, Bái Đính, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Vườn quốc gia Cát Tiên, Rừng quốc gia Cúc Phương... Nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... hiện nay cũng đang tổ chức thu phí tham quan đối với du khách với mục tiêu tương tự.

Qua hơn 1 năm thực hiện, du khách về với non thiêng đã dần hiểu ra sự cần thiết của việc tái thu phí tham quan Yên Tử. Tuy nhiên, năm nay là năm đầu tiên thông tuyến, thực hiện việc kết nối giữa Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) với Khu văn hóa tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Bắc Giang). Du khách đến với danh sơn từ lối Tây Yên Tử khá đông, từ đầu năm đến nay lên tới hơn 2 vạn người. Không ít du khách băn khoăn rằng, họ chỉ lên chùa Đồng - với quãng đường rất ngắn so với cả tuyến hành hương từ chân núi phía Đông, nhưng lại phải chịu mức phí tham quan bằng cả tuyến thì liệu có thiệt thòi? Rằng chùa Đồng được đầu tư từ nguồn công đức của du khách bốn phương, sao lại thu phí người dân tới đây...?

Lý giải khúc mắc này, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, phân tích: Đối tượng thu phí là khách tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Yên Tử, thắng cảnh rừng quốc gia Yên Tử, không phân biệt du khách đi từ hướng nào, với quãng đường bao nhiêu và áp dụng với cả khách trong nước, nước ngoài. Du khách khi đến Yên Tử phải có nghĩa vụ thực hiện đóng góp phí tham quan theo quy định và có quyền đi hết hoặc không đi hết các chùa thuộc phía Đông Yên Tử. Du khách khi đi từ phía Bắc Giang sang Khu di tích Yên Tử, dù chỉ đến chùa Đồng thôi thì địa phương cũng vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo hiểm con người, ANTT, ATGT, PCCN, y tế, cứu hộ cứu nạn... Một chiếc vé tham quan đó tích hợp rất nhiều thứ như vậy. Giống như du khách tham quan Yên Tử từ phía Đông Yên Tử đều phải mua vé tham quan theo mức giá đã quy định, mặc dù nhiều người cũng chỉ đi đến chùa Hoa Yên rồi trở xuống. Vì vậy, nếu mức phí tham quan chia nhỏ sẽ không đảm bảo sự công bằng cho mọi du khách...

Bài, ảnh: Phan Hằng
Trình bày: Tất Đạt

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu