Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:36 (GMT +7)
Thúc đẩy phát triển logistics
Thứ 3, 21/02/2023 | 14:11:39 [GMT +7] A A
Với đường bờ biển dài gần 250km, cùng hệ thống hạ tầng giao thông như cảng biển, đường cao tốc, cùng nhiều cửa khẩu, lối mở, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển dịch vụ logistics. Tới nay, nhiều hạ tầng phát triển hoạt động logistics đã được tỉnh khai thác, đầu tư trọng điểm, tạo thuận lợi giao thương cho các doanh nghiệp logistics qua địa bàn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Việc tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng logistics là một trong những nhiệm vụ được tỉnh ưu tiên thời gian qua. Các giải pháp đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, chăm sóc nhà đầu tư, thành lập và kiện toàn Bộ phận Hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk), Bộ phận Hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc (Korea Desk) để đẩy mạnh thu hút đầu tư dự án, bao gồm các dự án cảng biển, logistics từ các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc,... bước đầu phát huy vai trò trong việc kết nối các tổ chức quốc tế. Qua đó, giúp cho hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển, logistics phát triển đồng bộ.
Ông Koen Soenens, Giám đốc kinh doanh và Marketing KCN Bắc Tiền Phong cho biết: Hiện nay, chúng tôi đã có các dự án đầu tư thứ cấp và dự kiến sẽ triển khai các dự án này tại KCN với tổng diện tích sử dụng đất 70ha. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị hạ tầng khoảng 100ha nữa để sẵn sàng đón các nhà đầu tư mới. Mục tiêu của chủ đầu tư là xây dựng một khu công nghiệp phù hợp với đa dạng ngành nghề và nâng cao lợi thế logistics cho doanh nghiệp bên cạnh những kết nối hạ tầng hoàn thiện sẵn có hiện nay. Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc phát triển hạ tầng trong hoạt động logistics tại Quảng Ninh.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dự án là các dự án hạ tầng cảng biển, logistics như: Tập đoàn Sunrgroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Bến Thành, VINACOMEX, Đông Dương Group…. Nhiều dự án cảng biển, logistics, hạ tầng giao thông kỹ thuật đã được đầu tư, xây dựng. Điển hình, như Dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) của Công ty Cổ phần cảng quốc tế Vạn Ninh, tổng mức đầu tư 2.248,5 tỷ đồng; Bến cảng cao cấp Ao Tiên tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn; Nhà máy điện khí LNG tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả (có hợp phần cảng biển)... Một số dự án đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư là Dự án Cảng hàng lỏng Yên Hưng do Công ty Cổ phần hàng lỏng Yên Hưng đề xuất với tổng vốn đầu tư khoảng 778,2 tỷ đồng tại khu vực Đầm Nhà Mạc; Dự án đang có các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất nghiên cứu thực hiện (dự án cảng tổng hợp, container tại khu vực Con Ong - Hòn Nét), tại TP Cẩm Phả, do Tập đoàn Tuần Châu đề xuất nghiên cứu dự án đầu tư Cảng biển với tổng vốn (dự kiến) hơn 1 tỷ USD (tương đương khoảng 22.825.000 tỷ đồng)...
Đặc biệt, với các tuyến đường cao tốc, sân bay, bến cảng được xây dựng mới, mở rộng và đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với khu bến, bến cảng biển đã được hình thành, hoàn thiện góp phần thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, nâng cao năng lực xử lý, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện. Hiện đã và đang hoàn thiện các hạ tầng giao thông kết nối vào khu vực bến Yên Hưng, Đầm Nhà Mạc; khu vực cảng Hòn Gai - Cái Lân; khu vực cảng Cửa Ông - Hòn Nét; khu vực cảng Mũi Chùa - Vạn Hoa; khu vực cảng biển Hải Hà; khu vực cảng Vạn Gia - Vạn Ninh...
Ông Frank Van Rompaey, Tổng giám đốc Cảng CICT Cái Lân cho biết: Trong năm 2022, Cảng Cái Lân đã thu hút được 2 hãng tàu container lớn của thế giới là Maersk Line và SITC, đưa các chuyến tàu về các cảng bến của Quảng Ninh khai thác, làm hàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác, tạo điều kiện hỗ trợ các hãng tàu và cố gắng đưa họ đến gần hơn với thị trường khách hàng. Đồng thời, cũng sẽ hỗ trợ việc giao hàng nội địa với mức chiết khấu có thể để thu hút doanh nghiệp lớn. Quảng Ninh đã có sự phát triển rất nhanh về hạ tầng giao thông, gắn với phát triển các hoạt động logistics thời gian qua. Đặc biệt, với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với Hải Phòng, Hà Nội đã được đầu tư rất đồng bộ, hàng hóa từ CICT Cái Lân có thể tiếp cận được với các thị trường trọng điểm khu vực phía Bắc trong thời gian rất nhanh. Đây sẽ là những thuận lợi rất lớn để doanh nghiệp và tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hoạt động logistics trên địa bàn.
Cùng với hạ tầng, các dịch vụ logistics như: Xếp dỡ hàng hóa, kho bãi, dịch vụ giao nhận hàng, dịch vụ sau cảng cũng được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu thu hút, thúc đẩy thông quan hàng hóa qua địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi, có tổng doanh thu đạt trên 37,5 nghìn tỷ. Dịch vụ vận tải kho bãi tăng 15,55%, cao hơn 12,9 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,2% trong GRDP, đóng góp 1,08 điểm % trong tốc độ tăng GRDP.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết số 15 về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, quy mô ngành kinh tế hàng hải ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị gia tăng của kinh tế biển. Qua đó, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành một cực của trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, cửa ngõ xuất - nhập khẩu trọng yếu của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()