Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 01:47 (GMT +7)
Thực hiện 3 đột phá chiến lược: Sáng tạo, quyết liệt để thành công
Thứ 5, 11/09/2014 | 06:13:37 [GMT +7] A A
Với quan điểm phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong phát triển. Đặc biệt, tỉnh đã mạnh dạn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Công trình Trung tâm Thương mại Vincom, một điểm nhấn cho đô thị Hạ Long, sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng. |
Tháo “nút thắt” về thể chế
Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định phải đột phá vào ba khâu là: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Trên công trường nhà máy Nhiệt điện Mông Dương. |
Thực hiện chiến lược này, thời gian qua, Quảng Ninh đã trăn trở, nghiên cứu, đề xuất và mạnh dạn thể nghiệm những đổi mới về thể chế. Tỉnh đã tập trung xây dựng và chuẩn bị các quy hoạch quan trọng từ cấp tỉnh đến cấp huyện trong một tổng thể nhất quán. Trong đó, có các quy hoạch quan trọng là Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch về đô thị và hạ tầng, Quy hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực, Quy hoạch bảo vệ môi trường... Các quy hoạch đều có sự tham gia đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân và các bộ, ngành thẩm định. Đặc biệt là tỉnh cam kết và chủ trương định hướng trong quy hoạch đô thị ven Vịnh Hạ Long có các khu vực dành riêng cho người nước ngoài để đón nhận bạn bè quốc tế, đối tác và doanh nghiệp nước ngoài đến làm việc, sinh sống như ở nhà. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và Đề án xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp. Đồng thời, tỉnh cũng mạnh dạn nghiên cứu, triển khai hình thức hợp tác công - tư (PPP), thí điểm và từng bước áp dụng các mô hình quản lý: “Lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công” cho việc xây dựng, vận hành các khu kinh tế, khu công nghiệp, các thiết chế kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế...
Song song với đó, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành Nghị quyết về “Cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá và nâng cao chất lượng TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, cụ thể: Điều chỉnh đơn giản hoá 80% TTHC; giảm bớt 1.400 TTHC ở 3 cấp; đưa 236 TTHC vào Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh... Cùng với đó, tỉnh cũng chuyển đổi căn bản quy trình giải quyết thủ tục đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu thời gian cho nhà đầu tư như: Thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thuộc UBND tỉnh, đổi mới mô hình một cửa, một cửa liên thông, tách dịch vụ hành chính công ra khỏi quản lý nhà nước… Tỉnh cũng triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng và tiến hành rà soát, tinh giản bộ máy, biên chế, cương quyết cắt giảm biên chế xét thấy không cần thiết. Đặc biệt, từ tỉnh đến các địa phương đã xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả công tác theo từng vị trí việc làm; đổi mới chế độ tuyển dụng theo hướng nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch, công khai và mở rộng đối tượng dự tuyển.
Tạo tiền đề cho phát triển
Cùng với những đột phá trong thể chế, Quảng Ninh cũng tạo những bước đột phá trong phát triển nhân lực và kết cấu hạ tầng, lấy đó làm tiền đề cho phát triển. Trong đó, tỉnh đã đầu tư nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua các Chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo Đề án 165 bằng ngân sách tỉnh (năm 2012: 30 tỷ đồng, năm 2013: 40 tỷ đồng). Đồng thời, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là chính sách về nhà ở, tiền lương, cải thiện môi trường làm việc... để thu hút nhân tài và nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ cao về công tác trên địa bàn tỉnh (HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 62 ngày 11-7-2012 và UBND ban hành Quyết định 2239 ngày 4-9-2012 về chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài); thúc đẩy xây dựng Trường Đại học đa ngành Hạ Long cùng các trường, trung tâm đào tạo nghề khác trong tỉnh.
Đặc biệt, Quảng Ninh cũng tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các công trình động lực, tạo sức lan toả nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13/NQ-TW Hội nghị T.Ư 4 (khoá XI). Trong lúc Chính phủ gặp khó khăn về bố trí vốn, tỉnh đã tìm mọi biện pháp để huy động và ứng ngân sách trên 1.700 tỷ đồng để hoàn thành dứt điểm các tuyến đường huyết mạch, động lực cho phát triển các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa (Quốc lộ 18C lên cửa khẩu Hoành Mô, đường tỉnh lộ 340 lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh, giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp Quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - Hạ Long…). Cùng với đó, hàng loạt các công trình hạ tầng mang tính động lực cũng được Quảng Ninh triển khai thực hiện như: Đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Công viên Hạ Long… Và ngày 13-9 tới, tỉnh sẽ khởi công xây dựng Dự án đường cao tốc nối Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mở ra hướng phát triển mới trong tương lai.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những thành công cơ bản, mang ý nghĩa quyết định, thì Quảng Ninh cũng như cả nước vẫn đang gặp những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, bằng việc tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, Quảng Ninh đã và đang tạo xung lực mới có sức lan toả mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()