Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 16:46 (GMT +7)
Thực hiện chương trình xây dựng NTM: "Được cơ sở vật chất, được cán bộ, được phong trào, được lòng dân"
Thứ 6, 13/12/2013 | 07:03:52 [GMT +7] A A
Đó là đánh giá của đoàn giám sát HĐND tỉnh về tình hình thực hiện chương trình xây dựng NTM theo Nghị quyết số 39/2010/ NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020”. Nghị quyết của HĐND tỉnh đã cụ thể hoá kịp thời Nghị quyết số 01-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Sau gần 3 năm thực hiện với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, Nghị quyết số 01-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 39/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân, không khí phấn khởi chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ảnh minh họa. |
Các tiêu chí đạt cao là: Có 12 tiêu chí đạt từ 60% trở lên (quy hoạch, thuỷ lợi, điện, bưu điện, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, hình thức SX, giáo dục, hệ thống tổ chức chính trị, ANTT), trong đó quy hoạch 100% số xã đạt, điện 96,5%, ANTT 97,4%; có 3 tiêu chí đạt từ 50-60% (giao thông, trường học, văn hoá); chỉ có 4 tiêu chí đạt dưới 50% (cơ sở vật chất văn hoá, chợ, y tế, môi trường). Năm 2013 theo kế hoạch toàn tỉnh có 9 địa phương đăng ký phấn đấu với 28 xã về đích NTM (trong đó có 2 xã đã cơ bản về đích NTM từ năm 2012).
Công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng NTM được khẩn trương hoàn thiện, là cơ sở để nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển có lộ trình theo quy hoạch. Đến nay 100% số xã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng NTM (Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên cả nước hoàn thành). Đồng thời các xã, huyện đều đã lập và phê duyệt xong đề án xây dựng NTM.
Các ngành, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng có quy mô, sản xuất hàng hoá.
Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, như vùng lúa Đông Triều 5.500ha, Quảng Yên 5.000ha; vùng rau, hoa Quảng Yên 400ha, Hạ Long 50ha; vùng chè Hải Hà 1.000ha, Đầm Hà 100ha; vùng cây ăn quả Đông Triều 1.060ha; Uông Bí 318ha…; vùng cây dong riềng Bình Liêu gần 200ha; vùng cây ba kích (Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên); 9 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Một số thương hiệu sản phẩm được thị trường đón nhận, nâng cao thu nhập như: Rau an toàn Quảng Yên, hoa Hoành Bồ, chè Đường Hoa, nếp cái hoa vàng và na dai Đông Triều, mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long…
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm đẩy mạnh, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động. Toàn tỉnh đã tổ chức được 438 lớp tập huấn cho hơn 17.780 học viên. Trong đó, số lao động nông thôn được đào tạo có việc làm và ứng dụng kiến thức đã học vào SXKD chiếm trên 70%.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn được tập trung tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 7,68%, thì năm 2012 giảm xuống còn 3,52%, dự kiến hết năm 2013 giảm còn 2,52% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh XIII đề ra là giảm 0,98%/năm). Thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng từ 10,98 triệu đồng năm 2010 lên 14 triệu đồng năm 2012, dự kiến 16,5 triệu đồng năm 2013.
Đạt được thành công trên là do công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, tuyên truyền được đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên đổi mới. Công tác kiểm tra, giám sát được các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên. Công tác tuyên truyền được đổi mới về nội dung, hình thức, làm chuyển biến tích cực nhận thức của cán bộ, nhân dân trong thực hiện chương trình. Có nhiều giải pháp sáng tạo và hiệu quả trong tổ chức huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM; đổi mới về phương pháp, cách thức triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng và tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế, đó là: Hoạt động của BCĐ xây dựng NTM các xã chưa thường xuyên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp xã còn thiếu sâu sát, một số nơi thiếu kiểm tra, đôn đốc. Đội ngũ cán bộ điều hành thực hiện chương trình hầu hết kiêm nhiệm, còn lúng túng, một số năng lực yếu, nên công tác tham mưu cho BCĐ, ban điều hành các cấp còn hạn chế.
Trên cơ sở đó, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã có một số nội dung kiến nghị với các cấp: Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định còn bất cập, khó khăn khi áp dụng vào thực tế. Chấn chỉnh và đề cao vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với việc thực hiện chương trình. Xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh hấp dẫn hơn nữa để khuyến khích đầu tư bền vững vào khu vực nông thôn. Tăng cường chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng và hưởng thụ thành quả xây dựng NTM.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()