Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:23 (GMT +7)
Thuế thu nhập cá nhân quá lạc hậu: Cần nhanh chóng sửa luật
Thứ 3, 04/07/2023 | 09:22:18 [GMT +7] A A
Chưa kịp mừng nhờ tăng lương cơ bản, nhiều người lao động đã phải xác định tiếp tục “còng lưng” cõng thuế thu nhập cá nhân. Đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không phù hợp, mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu còn tước đi nhiều cơ hội của người dân.
Mức thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người quá lạc hậu đã được người dân phản ánh từ lâu. Sau khi mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, người dân lo lắng về khoản thuế TNCN phải nộp.
Chị Phạm Thu Hương - viên chức cơ quan nhà nước tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, với hệ số lương 2,67 viên chức loại A1, chị nhận lương cơ bản gần 4 triệu đồng. Tổng thu nhập gồm phụ cấp, thu nhập tăng thêm của chị Hương khoảng 13 triệu đồng/tháng và phải đóng thuế thu nhập cá nhân 386 nghìn đồng.
“Sau ngày 1/7, khoản lương của tôi tăng khoảng 800 nghìn đồng. Tuy nhiên, chưa kịp mừng vì khoản tăng lương này, tôi lại phải tiếp tục đóng thuế TNCN cho khoản tăng thêm”, chị Hương phàn nàn.
Gia đình chị Hương có 2 con nhỏ và bố mẹ già đã đăng ký giảm trừ gia cảnh cho chồng chị. Khoản lương của chị Hương vượt qua ngưỡng 11 triệu đồng bắt đầu đóng thuế TNCN. Theo chị Hương, khoản giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người và mức thu nhập tính thuế TNCN 11 triệu đồng quá thấp so với chi phí sinh hoạt hiện nay.
“Tiền học phí, học thêm, bỉm sữa cho mỗi em bé tiết kiệm nhất cũng phải 6-7 triệu đồng/tháng, chưa kể lúc ốm đau chi phí nằm viện có khi tăng lên tới cả triệu đồng. Mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người quá là lạc hậu, không còn phù hợp. Tôi mong cơ quan chức năng nên sớm nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm trừ gia cảnh để phù hợp với đà tăng của giá cả”, chị Hương kiến nghị.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên. Sau khi có mức sống đủ cơm no, áo ấm, người dân có thêm nhu cầu du lịch, vui chơi. Trẻ em ngoài học trường công lập, còn phải chi thêm tiền học thêm, học môn năng khiếu. Mức chi tiêu mỗi năm thay đổi nhưng cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát gây ra nhiều bất cập, khiến người dân than phiền.
Ngoài không đủ lo cuộc sống, ngưỡng thu nhập chịu thuế và giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp còn tước đi cơ hội hưởng chính sách mua nhà xã hội của người dân. Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, theo quy định hiện tại, người dân đóng thuế TNCN không được mua, thuê nhà xã hội. Nhiều cá nhân thu nhập 11 triệu đồng/tháng phải đóng thuế TNCN nhưng vẫn là người có thu nhập thấp ở đô thị. Tuy nhiên, rào cản đóng thuế TNCN đã khiến người dân không có cơ hội tiếp cận với chính sách mua nhà xã hội.
Tại hội thảo về giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp vừa diễn ra, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM phản ánh thực tế, ngay cả khi có thu nhập tiệm cận mức nộp thuế cũng gặp khó khăn.
“Đối tượng có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế TNCN không được mua nhà ở xã hội. Trong khi một số cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang có mức lương đến 11 triệu đồng/tháng, nhưng không có nhà ở, cũng không thể mua được nhà. Nếu 1 lần phải đóng thuế TNCN, muôn đời người dân không mua được nhà ở xã hội”, ông Khiết phản ánh.
Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%. Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ 1/1/2009 và sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014.
“Om” mãi không sửa Luật Thuế TNCN
Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN. Được biết, sau khi có nghị quyết, là cơ quan phụ trách, Bộ Tài chính đang nghiên cứu phương án điều chỉnh. Những năm qua dù giá cả tất cả các mặt hàng tiêu dùng ngày một tăng, đồng tiền mất giá theo lạm phát năm, tuy nhiên, điều đáng nói là có rất nhiều quy định cũ trong luật vẫn “không thèm nhúc nhích”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Phan Phương Nam - Đại học Luật TPHCM cho rằng, Luật Thuế TNCN quy định mức giảm trừ gia cảnh và ngưỡng thu nhập chịu thuế cố định, khi lạm phát tăng 20% mới sửa đổi không phù hợp. Ông Nam kiến nghị, cơ quan chức năng nên quy định theo hướng mức giảm trừ gia cảnh cao gấp 3-4 mức lương. Khi lương tăng, mức giảm trừ gia cảnh sẽ tăng theo. Các giải trình tăng lương cơ sở có thể làm căn cứ để thay đổi mức giảm trừ gia cảnh.
“Tăng lương nhưng không giải quyết được câu chuyện giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế sẽ khiến người dân chịu áp lực. Nhà nước tăng lương nhằm hỗ trợ cuộc sống cho người làm công ăn lương, tuy nhiên, khoản đóng thuế đã ngốn một phần lương tăng, chưa kể yếu tố tăng giá hàng hóa”, TS Phan Phương Nam đánh giá.
TS Nam kiến nghị, để sửa đổi bất cập của mức giảm trừ gia cảnh, ngưỡng thu nhập chịu thuế, trước hết, cơ quan chức năng phải sửa đổi Luật Thuế TNCN. Sau khi sửa đổi Luật TNCN rồi mới có thể sửa đổi về mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín đánh giá, quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh là chưa hợp lý.
“Thuế TNCN cần điều chỉnh theo hướng giao cho Chính phủ quyết định thay đổi mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đến một giới hạn nào đó. Đồng thời, cơ quan chức năng xem xét việc tính mức giảm trừ gia cảnh theo chi phí thực tế của người nộp thuế”, ông Được kiến nghị.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()