Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:32 (GMT +7)
Phát triển du lịch Bái Tử Long từ cây di sản
Thứ 4, 15/05/2024 | 11:09:31 [GMT +7] A A
Vườn Quốc gia Bái Tử Long có hệ thống đảo núi đá vôi xen kẽ đảo đất, cùng nhiều cánh rừng nguyên sinh thảm thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, ít nơi nào có được. Bên cạnh tiềm năng về du lịch biển đảo, nơi đây hiện là một trong những khu vực có quần thể cây di sản lớn nhất của tỉnh, là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với cây di sản Việt Nam.
Năm 2001, Vườn Quốc gia Bái Tử Long được thành lập trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn. Với tổng diện tích là 15.283ha, trong đó 6.125ha là diện tích các đảo nổi và 9.658ha là diện tích mặt nước biển, nhờ đó, khu vực này có hệ sinh thái đa dạng đặc trưng, gồm: Hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh trên đảo núi đất; hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh trên đảo núi đá vôi; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái thảm cỏ biển; hệ sinh thái tùng, áng trong lòng núi đá vôi. Đến nay, các giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học nơi đây vẫn được bảo tồn nghiêm ngặt, và được đánh giá là một trong những vườn quốc gia mang nhiều giá trị độc đáo nhất ở Việt Nam và khu vực ASEAN, được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Công viên ASEAN.
Tại khu vực đảo Minh Châu thuộc Vườn Quốc gia Bái Tử Long hiện đang bảo tồn được quần thể rừng cây trâm mốc cổ thụ, còn có tên gọi khác là cây vối rừng hay cây trâm. Quần thể gồm 272 cây tuổi thọ từ 150 năm trở lên, và trên 2.000 cây dưới 150 năm. Trong đó, 150 cây cổ thụ, đáp ứng đủ các tiêu chí đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Trải qua hàng trăm năm, quần thể trâm mốc vẫn quần tụ bao quanh đảo, vươn mình chắn bão, chắn sóng bảo vệ xã đảo. Người dân địa phương còn gọi quần thể trâm mốc này là “Thần mộc giữ làng” vì vai trò đặc biệt đối với cuộc sống, bảo vệ đất cho người dân nơi đây. Anh Bùi Hữu Cường, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long cho biết: Đây là một trong số rất ít quần thể trâm mốc gần như thuần loài tại Việt Nam hiện nay. Từ khi được thành lập đến nay, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long luôn chủ động các giải pháp bảo tồn quần thể trâm mốc, thường xuyên rà soát, tuần tra, khoanh vùng bảo vệ; gắn vai trò trách nhiệm của cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ, không để yếu tố bên ngoài xâm hại.
Cùng với quần thể cây trâm mốc cổ, Vườn Quốc gia Bái Tử Long còn có 3 cây trâm vỏ đỏ niên đại hơn 300 năm sống trên đảo núi đất, 3 cây trai lý cổ niên đại khoảng 500 năm tuổi sống trên đảo núi đá cũng đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đây là những minh chứng khẳng định giá trị kho tàng tài nguyên sinh vật nhiệt đới hoang sơ, phong phú, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, là tài nguyên du lịch vô cùng lớn cho Vườn Quốc gia Bái Tử Long.
Trong chuyến khảo sát của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long hồi tháng 3 vừa qua, các chuyên gia của Trung tâm đánh giá rất cao vẻ đẹp về cảnh quan thiên nhiên và giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Tiến sĩ Kuznetsov A.N - Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, chia sẻ: Vịnh Bái Tử Long là một trong những khu vực có hệ sinh thái đa dạng, độc đáo nhất ở Việt Nam mà tôi đã từng đến. Hệ sinh thái này được các bạn bảo tồn rất tốt, có những khu vực rừng nguyên sinh hàng trăm năm được gìn giữ. Có thể nói, đây là một trong những giá trị về mặt sinh thái rất lớn của không chỉ vườn quốc gia này mà còn của cả Việt Nam.
Với quần thể 156 cây di sản Việt Nam cùng giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên sẵn có là tiền đề để Vườn Quốc gia Bái Tử Long đề xuất các tuyến du lịch trong khu vực; theo hướng kết hợp trải nghiệm tham quan, vui chơi giải trí trên biển, khám phá du lịch sinh thái rừng, nghỉ đêm trên Vịnh Bái Tử Long. Khi các sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác sẽ giúp phát huy các giá trị gắn với du lịch xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long, cho biết: Quần thể cây di sản Việt Nam là điểm nhấn giúp cho cán bộ kiểm lâm, cán bộ nghiên cứu khoa học có cơ hội tiếp cận với những giá trị mới để tuyên truyền, quảng bá cho du khách cũng như cộng đồng địa phương trong việc tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về giá trị cây di sản. Đây đồng thời là điểm nhấn lý tưởng cho việc tạo ra các sản phẩm, tour trải nghiệm du lịch sinh thái khám phá các giá trị hệ sinh thái rừng của Vườn Quốc gia Bái Tử Long kết hợp với các điểm đến là cây di sản Việt Nam đã được công nhận. Từ đó khai phá đánh thức tiềm năng để phát triển du lịch xứng tầm cho Vịnh Bái Tử Long.
Nguyễn Thơm
Liên kết website
Ý kiến ()