Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:27 (GMT +7)
Tiên Yên: Phát triển các sản phẩm chủ lực
Thứ 3, 08/03/2022 | 10:20:44 [GMT +7] A A
Thời gian qua, huyện Tiên Yên đã khai thác hiệu quả thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đó, huyện Tiên Yên đã tăng cường tập trung chuyển đổi phương thức sản xuất theo cơ chế thị trường thông qua phát triển các dòng sản phẩm có lợi thế. Đặc biệt là các chương trình, đề án, dự án phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.
Cụ thể, trong lĩnh vực thủy sản, năm 2022, huyện Tiên Yên đã xây dựng kế hoạch phát triển trên 1.612ha nuôi trồng. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng đến việc phát huy thế mạnh nuôi tôm với 880ha diện tích nuôi tôm quảng canh và 330ha diện tích nuôi tôm thâm canh. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo và triển khai đầy đủ các điều kiện nuôi tốt nhất và hộ nuôi tôm trên địa bàn cũng đang chuẩn bị để xuống giống vụ mới.
Anh Nguyễn Văn Hân, thôn Cái Khánh, xã Đông Hải, chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu nuôi tôm từ năm 2013, tới nay, đã phát triển được 6ha tôm thẻ chân trắng. Nhờ vào sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền từ huyện, xã đầu tư về hạ tầng, giúp đỡ vốn vay, con giống, kỹ thuật nuôi... nên năng suất, chất lượng tôm đã được cải thiện rõ rệt qua từng năm. Riêng trong năm 2021 vừa qua, gia đình đã thu hoạch trên 40 tấn tôm, trừ hết chi phí thu được gần 4 tỷ đồng. Hiện tại, gia đình đang chuẩn bị cải tạo ao nuôi và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để sẵn sàng thả giống mới. Dự kiến, trong tháng 3 âm lịch này, sẽ tiến hành thả 200 vạn con tôm giống. Hy vọng, tôm sẽ phát triển khỏe mạnh, không bị bệnh và tiếp tục được giá.
Cùng với việc phát triển thế mạnh về nuôi tôm, huyện Tiên Yên cũng đang tập trung xây dựng đồng bộ và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hướng tập trung. Điển hình, như mô hình trồng khảo nghiệm cây na QN-D1, tại xã Đông Hải; mô hình nuôi cá tầm; mô hình trồng khảo nghiệm giống súp lơ chịu nhiệt F1-Broccoflwer; mô hình nuôi tôm sú Moana thâm canh... Chương trình “2 con, 1 cây” cũng tiếp tục được mở rộng về quy mô, giá trị, tạo điều kiện hỗ trợ người dân chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, hiện nay, để phát huy thế mạnh sẵn có, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, huyện Tiên Yên cũng đang tập trung ứng dụng triệt để khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình, như nghiên cứu ứng dụng khẩu phần thức ăn tự phối trộn từ nguồn nguyên liệu sẵn có, nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi gà Tiên Yên, hiện đang thực hiện thí điểm tại 3 xã: Đông Ngũ, Yên Than, Phong Dụ với trên 1.200 con giống. Qua đánh giá, đến nay đàn gà phát triển tốt, đang bắt đầu xuất bán.
Năm 2022, huyện Tiên Yên đặt mục tiêu tổng diện tích gieo trồng đạt 6.157ha; diện tích trồng rừng tập trung đạt 1.800ha; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 14.162 tấn. Ông Vi Quốc Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: Để phát huy hết lợi thế, tiềm năng sẵn có trong phát triển các mô hình kinh tế tại địa phương, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP và du lịch sinh thái huyện Tiên Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030. Huyện cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ tái cấu trúc và định vị lại sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, mở rộng vùng sản xuất tập trung quy mô hàng hóa để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhằm khai thác lợi thế sản phẩm và hỗ trợ phát triển kênh phân phối thị trường.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()