Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:42 (GMT +7)
Tín ngưỡng thờ mẫu ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 05/03/2023 | 14:12:04 [GMT +7] A A
Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt là phong tục độc đáo của dân tộc ta đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ở Quảng Ninh, xưa nay có nhiều nơi vẫn duy trì tín ngưỡng dân gian thờ mẫu.
Nhiều ngôi đền ở Quảng Ninh thờ đủ cả tam tòa thánh mẫu, tứ phủ cộng đồng. Theo thư tịch cổ, làng Hà Lôi thuộc tổng Mễ Sơn (tức xã Tràng An thuộc TX Đông Triều ngày nay) thờ Bảo Huệ quốc mẫu, Thái Trưởng công chúa, Thượng Trân công chúa, Bảo Từ hoàng thái hậu. Đình Quan Lạn (Vân Đồn) hay miếu - đình Cốc (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) đều phối thờ Tứ vị Thánh nương là những vị thần được truyền tụng thường che chở cho những người đi biển. Những vị thần chủ này được cho là những hiện thân của mẫu khi giáng trần.
Đền Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Trà Cổ (TP Móng Cái) thờ một pho tượng Thiên Hậu, tương truyền trôi từ biển vào và còn có ban thờ tứ mẫu. Đền có lịch sử ra đời từ thế kỷ XV cùng với đình Trà Cổ, đền Xã Tắc, được coi là cột mốc văn hóa nơi biên cương Tổ quốc. Miếu Bến Dưới ở thôn Vị Dương, xã Liên Vị (TX Quảng Yên) thờ mẫu Liễu Hạnh và tam tòa tứ phủ. Đền mẫu ở xóm Chùa, thôn La Khê, xã Tiền An cũng thờ mẫu Liễu Hạnh, mẫu Thoải và mẫu Thượng Ngàn.
Tuy nhiên, ở Quảng Ninh cũng có những ngôi đền chỉ thờ một mẫu. Cũng tại Quảng Yên làng Quỳnh Lâu, làng Khoái Lạc, làng Vị Dương xưa đều thờ Địa cung Thánh Mẫu Công chúa Liễu Hạnh - một trong “Tứ bất tử” theo quan niệm dân gian (cùng với Thánh Gióng, Tản Viên và Chử Đồng Tử). Đền Thánh Mẫu ở xóm Bấc, thôn Vị Dương, xã Liên Vị cũng thờ Địa cung Thánh Mẫu Công chúa Liễu Hạnh. Cạnh đền chính còn có miếu cô Quỳnh và miếu cô Quế, hai nhân vật dân gian theo hầu mẫu.
Những dấu tích phát hiện được tại địa điểm đền Mẫu Cột 5, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) cũng chứng minh rằng đây có khả năng là phế tích của một khu sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh của người Việt, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Đền Cái Lân (TP Hạ Long) là một trong nhiều ngôi đền thờ Mẫu Thoải (bà chúa Thoải phủ). Mẫu Thoải (do dân gian đọc chệch từ chữ Thuỷ mà thành) còn gọi là Mẫu đệ tam, người cai quản miền sông nước, bà chúa liên quan trực tiếp đến dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước. Thông thường, đền thờ mẫu thờ chung tam toà thánh mẫu, nhưng đền Cái Lân lại là một trong 3 ngôi đền ở miền Bắc chỉ thờ Mẫu đệ tam, con gái vua Bát Hải Long vương Thuỷ quốc Động Đình, có danh hiệu là “Bạch Ngọc Thuỷ tinh xích lân long nữ công chúa”.
Đền mẫu ở thôn Yến Hải, xã Quan Lạn (Vân Đồn) cũng có đền thờ mẫu và đền thờ Cậu Bé Cửa Đông đến nay còn chưa rõ lai lịch, hành trạng. Đền Cặp Tiên ở xã Đông Xá (Vân Đồn) thờ Cô bé Cửa Suốt, miếu Đò Lá ở xã Cẩm La (TX Quảng Yên) thờ Thủy cung Thánh mẫu đều liên quan đến tín ngưỡng thờ thần của ngư dân truyền đời mưu sinh lênh đênh trên sông nước mà cụ thể là Mẫu Thoải.
Còn một nơi khác thờ thần chủ là Vua Bà, nhiều khả năng cũng là hiện thân của Mẫu Thoải. Miếu Vua Bà ở phường Yên Giang (TX Quảng Yên) thờ bà hàng nước vô danh đã mách Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lịch con nước và địa thế dòng sông, giúp bố trí trận địa cọc và chọn thời điểm quyết chiến làm nên Chiến trận Bạch Đằng năm 1288.
Trong khi đó, miếu Bà ở xã Nam Sơn (Ba Chẽ) thờ Mẫu Thượng Ngàn, người đã có công dạy người dân cách trồng cây ăn quả, lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, cũng như hái cây thuốc để chữa bệnh. Ở TX Quảng Yên, làng Phong Cốc thờ thành hoàng là cả Tứ vị Thánh Nương.
Nhiều ngôi chùa ở Quảng Ninh có cung thờ mẫu. Điều này thể hiện sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau giữa đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo của dân tộc trong tư tưởng hướng thiện, hướng về tinh thần cộng đồng, từ bi và diệt ác. Đó cũng là nguyên tắc ứng xử của xã hội Việt Nam xưa. Đơn cử như tại chùa Giải Oan ở Yên Tử có cung Điện Mẫu, thờ Đức Mẫu Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu (là thân mẫu của Phật hoàng Trần Nhân Tông). Bên phải là ban thờ tam tòa thánh mẫu theo tín ngưỡng, văn hóa dân gian truyền thống của người Việt. Một số ngôi chùa có điều kiện vật lực cũng đã xây dựng điện thờ mẫu bên cạnh chùa thờ Phật.
Huỳnh Đăng
- Cúng ông Công, ông Táo - Phong tục tín ngưỡng đẹp của người Việt
- Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: Xử phạt chủ yếu là răn đe
- Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng ở Quảng Ninh
- Tín ngưỡng làng xã của người Tày ở Bình Liêu
- Bản sắc văn hóa truyền thống của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
- Bảo tồn nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu
Liên kết website
Ý kiến ()