Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:15 (GMT +7)
TKV: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu
Thứ 5, 13/10/2022 | 09:35:40 [GMT +7] A A
Triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã quyết liệt chỉ đạo triển khai hợp nhất và thoái vốn thành công tại một số đơn vị. Sau tái cơ cấu, bộ máy tổ chức của các đơn vị được tinh giản, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng giúp Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ cốt lõi tái cấu trúc quản trị nội bộ.
Thực hiện tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020, ngày 5/8/2020, Công ty CP Than Cao Sơn và Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài hợp nhất (lấy tên là Công ty CP Than Cao Sơn). Đây là lần đầu tiên TKV hợp nhất giữa hai công ty cổ phần với nhau. Vì là 2 công ty cổ phần lần đầu hợp nhất chưa có trong tiền lệ nên quá trình triển khai cũng có khó khăn. Công tác chuẩn bị và các thủ tục pháp lý định giá doanh nghiệp, xác định tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, ý kiến cổ đông để thực hiện hợp nhất khá phức tạp. Tuy nhiên, cả hai công ty đều xây dựng phương án chi tiết, thành lập ban chỉ đạo, các tiểu ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên chuẩn bị các điều kiện đáp ứng cho công tác hợp nhất, đảm bảo theo đúng chủ trương của TKV.
Sau hơn 2 năm tiến hành hợp nhất, đến nay, Công ty CP Than Cao Sơn (TKV) trở thành mỏ có quy mô khai thác lớn nhất TKV, với 1.390ha diện tích khai trường. Hiện nay lao động của công ty còn 3.459 người (giảm gần 200 người). Công suất khai thác than hàng năm của mỏ trên 6 triệu tấn, khối lượng đất đá bóc xúc trên 60 triệu m3. Từ 2 bộ máy quản lý với 28 phòng, ban, đến nay, Công ty CP Than Cao Sơn giảm còn 1 bộ máy quản lý với 14 phòng, ban. Cơ cấu tổ chức của công ty đang theo mô hình mẫu của TKV. Ngoài ra, Công ty giảm 36 lao động quản lý. Qua đó, giúp công tác quản lý và tổ chức sản xuất của mỏ được đồng bộ, tập trung, hiệu lực, hiệu quả được nâng cao rõ rệt. Đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty duy trì ổn định. Đây là tiền đề giúp đơn vị tiếp tục triển khai tái cơ cấu nội bộ giai đoạn 2021-2025 theo hướng sắp xếp tinh giản lực lượng lao động phụ trợ, phòng, phân xưởng, công trường hợp lý nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển doanh nghiệp ngày càng bền vững hơn.
Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020 nhằm xây dựng TKV trở thành tập đoàn kinh tế mạnh có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao; cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; hoạt động hiệu quả, bền vững. Cùng với đó, TKV tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm đáp ứng nhu cầu than sản xuất trong nước cho các ngành kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, vừa bảo đảm lợi ích của chủ sở hữu, vừa bảo đảm lợi ích của người lao động và cộng đồng nhằm phát triển bền vững. Lần tái cơ cấu này được xem là lớn nhất trong lịch sử của TKV, mang tính chất quyết định đến sự phát triển doanh nghiệp ngành Than.
Bên cạnh việc hợp nhất thành công giữa Công ty CP Than Cao Sơn và Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài, trước đó năm 2017, TKV sáp nhập giữa Công ty Kho vận Hòn Gai và Công ty Tuyển than Hòn Gai. Năm 2018, TKV đã tiến hành hợp nhất Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 và Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2 thành Công ty Xây lắp mỏ; Công ty Than Hồng Thái đã chính thức sáp nhập vào Công ty Than Uông Bí.
Theo đánh giá của TKV sau khi tiến hành tái cơ cấu hợp nhất một số đơn vị, đến nay, bộ máy tổ chức hoạt động của các công ty được sắp xếp tinh gọn, việc làm, thu nhập của người lao động được đảm bảo ổn định. Tính từ năm 2016, ngành Than có 118.000 CBCNVC-LĐ, thì đến tháng 9/2022, toàn Tập đoàn có gần 94.000 người. Như vậy, giảm gần 24.000 lao động. Các phòng, ban đơn vị trước đây duy trì mô hình 24-28 phòng ban, nay giảm còn 14-15 phòng ban/đơn vị. Năm 2016, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 101 ngàn tỷ đồng, than nguyên khai đạt 34,8 triệu tấn, tiêu thụ 35,2 triệu tấn, tiền lương bình quân đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 128,6 ngàn tỷ đồng. Than nguyên khai đạt 39 triệu tấn, than tiêu thụ 44,2 triệu tấn. Tiền lương bình quân đạt 13 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, so với năm 2016 các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng, trong đó doanh thu tăng 27,3%, than nguyên khai tăng 12%, than tiêu thụ tăng 25,6%, tiền lương bình quân tăng 46%.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020, hiện nay, TKV tiếp tục yêu cầu các đơn vị ngành Than thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2021-2025 đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa công ty mẹ và sắp xếp các chi nhánh thuộc công ty mẹ theo hướng giảm đầu mối, chuyên môn hóa hoạt động. Đối với công ty con và công ty liên kết, thu gọn đầu mối và thoái vốn ở các dự án hiệu quả thấp. Đặc biệt, dự kiến TKV sẽ tiếp tục hợp nhất Công ty CP Than Cọc Sáu với Công ty CP Than Đèo Nai; Công ty CP Than Hà Lầm với Công ty CP Than Núi Béo.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh, nhấn mạnh: Mục tiêu của TKV giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thiện mô hình “Sản xuất và Thương mại than”. Đồng thời tập trung phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao”. Phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống dưới 20% và trong khai thác lộ thiên xuống dưới 4,3%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Đảng bộ Than Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị ngành Than tiếp tục sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, CNVC. Đặc biệt, đẩy mạnh áp dụng các giải pháp về kỹ thuật và công nghệ như cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa nhằm tinh giản lao động, hạ giá thành sản phẩm.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()