Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:31 (GMT +7)
Tổng kết 10 năm thực hiện mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh
Thứ 5, 14/03/2024 | 15:05:43 [GMT +7] A A
Ngày 14/3, tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công Quảng Ninh. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Nội vụ và một số tỉnh, thành.
Phát biểu quán triệt, chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2012, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 với chủ đề công tác năm là “cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực”. Năm 2014, tiếp tục ban hành Nghị quyết số 15 về “đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” – là cơ sở chính trị ra đời Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, sau đó đổi tên thành Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và cấp huyện.
Tháng 3/2014, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh được chính thức đi vào hoạt động - đây là một trong những mô hình thực hiện đầu tiên trong cả nước trực thuộc UBND cùng cấp; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và xã hội với chất lượng ngày càng tốt hơn.
Mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công đã tạo ra bước chuyển căn bản trong kiểm soát toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời đã giúp thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh, của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong việc phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện đã góp phần quan trọng vào quá trình và kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật của tỉnh Quảng Ninh, để lại dấu ấn nổi bật, trở thành tỉnh thuộc nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và xã hội.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành của tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các cán bộ, công chức, viên chức đã nhất quán một quyết tâm chính trị, cùng chung tay, chung sức vào cuộc để cùng tạo nên kết quả tốt đẹp ngày hôm nay. Đồng chí cũng đánh giá cao và ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, cấp huyện, bộ phận một cửa cấp xã qua các thời kỳ, bằng sự quyết tâm, nghiêm túc, minh bạch, tận tâm, mẫu mực phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, của các đồng chí, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững của tỉnh Quảng Ninh.
Để tiếp tục củng cố, phát huy hiệu quả Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa hiện đại cấp xã phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số toàn diện đang diễn ra rất mạnh mẽ, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, với mục tiêu cao nhất là ngày càng phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu tập trung đánh giá khách quan về những ưu điểm, những vấn đề cần cải tiến, đổi mới; nhất là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố tổ chức bộ máy, con người, quy trình, công nghệ. 13 địa phương và 177 xã, phường phải tiến hành đánh giá toàn diện, khách quan; tiếp tục phát huy hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số và gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đội ngũ cán bộ... qua đó, đề xuất với Trung ương tiếp tục thực hiện mô hình, nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân, doanh nghiệp .
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đánh giá: Sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công đã thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách hành chính trong điều kiện mới, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không làm tăng biên chế nhưng đáp ứng được yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, tập trung, hợp lý, hiện đại. Từ năm 2014 đến năm 2018, việc giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm được thực hiện theo quy trình “4 bước tại chỗ” - Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả”. Đến năm 2019, quy trình được nâng lên “5 bước tại chỗ” - Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại Trung tâm. Qua đó, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính.
Cùng với Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công ở tất cả các địa phương đã được thành lập và đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả; đồng thời, chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã cũng không ngừng được nâng cao.
Từ năm 2021, Quảng Ninh đã tái cấu trúc quy trình “5 bước tại chỗ”, đồng hành với việc triển khai quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đến nay, tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” đạt 91,5%. Thực hiện số hóa trên 98% hồ sơ đầu vào và 92,5% kết quả bản điện tử vào kho dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt xấp xỉ 100%. Từ tháng 1 năm nay, thực hiện thu phí, lệ phí 100% bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại cả 3 cấp; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh năm 2023 đạt 72% - tăng gấp 31 lần so với năm 2016.
Quảng Ninh cũng là tỉnh thứ 3 trong toàn quốc kết nối thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an với hệ thống Chính quyền điện tử ở cả 3 cấp; là địa phương đầu tiên trong toàn quốc gửi, nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp. Kết quả khảo sát cho thấy mức độ hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân về thủ tục hành chính từ năm 2015 đến nay đều đạt tỷ lệ rất cao; hằng năm đều đạt trên 99%.
Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện đã góp phần rất quan trọng vào quá trình và kết quả CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật của tỉnh Quảng Ninh đã được những kết quả quan trọng; tạo dấu ấn nổi bật, trở thành tỉnh thuộc nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và xã hội; tạo dựng niềm tin vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với chính quyền địa phương. Đây là yếu tố then chốt để Quảng Ninh huy động được tối đa nguồn lực xã hội trong quá trình phát triển. Riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được trên 538.000 tỷ vốn đầu tư ngoài ngân sách, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2023, thu hút FDI đạt mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 3,1 tỷ USD. Quảng Ninh đã tạo nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới với tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 9 năm liên tiếp.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, đánh giá cao những kết quả mang tính toàn diện của hoạt động mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện của Quảng Ninh. Qua đó, thể hiện tinh thần đi đầu, dám đổi mới và quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh trong suốt 10 năm xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội ngày càng tốt hơn và kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển.
Những kết quả đạt được cũng là minh chứng rõ nét cho việc thí điểm thực hiện mô hình này của tỉnh Quảng Ninh là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế và được cả nước học tập, nhân rộng. Thực tiễn ở Quảng Ninh cũng là cơ sở quan trọng để Cục tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế một cửa thủ tục liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức của Trung tâm Phục vụ Hành chính công các cấp cũng đã có sự trưởng thành.
Kết luận hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để tiếp tục cải cách, đổi mới nền hành chính của tỉnh phù hợp với yêu cầu của quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo đổi mới hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với xây dựng công dân số, xã hội số. Trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến gắn với số hóa, tái sử dụng hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh kiểm soát thủ tục hành chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới; tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn đội ngũ cán bộ và tổ chức, doanh nghiệp, người dân về chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm tiếp tục nỗ lực, cống hiến.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước thực hiện chuyển đổi số toàn diện, chuyển đổi cách thức cung cấp các dịch vụ hành chính công cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân hoàn toàn trên môi trường số. Tỉnh Quảng Ninh xác định "Trung tâm Phục vụ Hành chính công các cấp là trung tâm thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính", việc duy trì mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công với vị trí pháp lý như hiện tại là rất cần thiết. Trung tâm Phục vụ Hành chính công sẽ luôn là một địa chỉ tin cậy, để hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp và người dân trở thành “công dân số” bắt kịp xu hướng mới trong tiến trình chuyển đổi số, đảm bảo công tác giải quyết thủ tục hành chính thực chất hơn đồng thời, giúp cho UBND tỉnh giám sát, kiểm soát hoạt động giải quyết TTHC phục vụ người dân chặt chẽ hơn, ở một tầm cao hơn nhằm góp phần duy trì chất lượng cải cách thủ tục hành chính của tỉnh.
UBND tỉnh thống nhất báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương liên quan xem xét, chỉ đạo về mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh theo hướng tiếp tục duy trì trực thuộc UBND tỉnh như hiện nay; đồng thời nghiên cứu đề xuất thí điểm chuyển nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức, thực hiện tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh để thực hiện đồng bộ, một đầu mối trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã trao tặng bức trướng cho Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh với nội dung “Đoàn kết, sáng tạo, minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả”. 21 tập thể, 13 cá nhân được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì đã có nhiều thành tích xuất sắc góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, công tác giải quyết thủ tục hành chính 10 năm 2013-2023.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()