Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:09 (GMT +7)
Hạ Long: Cấp thiết lập quy hoạch vùng NTTS trên biển
Thứ 7, 01/04/2023 | 09:43:55 [GMT +7] A A
UBND TP Hạ Long đang tiến hành xử lý các cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS) trái phép trên Vịnh Hạ Long nhằm lập lại trật tự trong hoạt động NTTS và bảo vệ cảnh quan, môi trường Di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, việc đảm bảo sinh kế cho các hộ dân NTTS sau khi tháo dỡ, di dời lồng bè đang gặp rất nhiều trở ngại khi thời điểm hiện tại, TP Hạ Long chưa công bố khu vực được phép NTTS theo quy hoạch trên biển.
Theo báo cáo của UBND TP Hạ Long, qua công tác kiểm tra, rà soát, các lực lượng chức năng đã thống kê được 83 trường hợp NTTS trái phép. Trong đó, khu vực trên Vịnh Hạ Long là 76 trường hợp, khu vực sông Hốt (phường Đại Yên) 5 trường hợp, trên sông Trới (xã Lê Lợi) 2 trường hợp. Trong 76 trường hợp NTTS trái phép trên Vịnh, có 29 hộ nuôi tập trung tại khu vực Trung tâm bảo tồn 3 và 47 trường hợp nằm giáp ranh giữa phường Tuần Châu và phường Hùng Thắng.
Sau một thời gian Tổ công tác kiểm tra, xử lý, di dời các cơ sở nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trái phép của thành phố tổ chức ra quân, tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân, ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản..., phần lớn trường hợp NTTS trái phép trên Vịnh Hạ Long đã tự tháo dỡ, di dời và nộp phạt theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn hộ NTTS trái phép trên khu vực biển giáp ranh giữa phường Tuần Châu và phường Hùng Thắng chưa phối hợp với Tổ công tác để xác minh rõ diện tích NTTS cụ thể của từng cá nhân. Điển hình, là các trường hợp trong HTX Thủy sản Rồng Biển (phường Tuần Châu) đang NTTS tại khu vực phía Tây Nam đảo Tuần Châu.
Được biết, năm 2020, 69 hộ dân NTTS ở lạch Hòn Trụi (phường Tuần Châu) đã thực hiện di dời để tạo cảnh quan cho khu vực sân Golf Tuần Châu. Sau khi di dời, để đảm bảo sinh kế, sớm ổn định cuộc sống, những hộ dân này đã nhiều lần làm đơn kiến nghị thành phố xem xét được cấp phép mặt nước ở khu vực nuôi phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Tặng, HTX Rồng Biển, chia sẻ: Qua 2 năm chờ đợi mỏi mòn, chúng tôi không có nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống nên các hộ dân mới quyết định đầu tư hơn 5 tỷ đồng cho 144 dây phao HDPE và tiền con giống để nuôi ở phía Tây Nam của đảo. Mặc dù chúng tôi biết khu vực này không được phép nuôi nhưng không còn cách nào khác để duy trì sinh kế. Do đó, chúng tôi mong muốn thành phố sớm cấp phép quy hoạch NTTS trên biển và giãn thời gian tháo dỡ để các hộ dân có thể thu hoạch xong vụ này, lấy lại một phần chi phí đã bỏ ra. HTX cũng cam kết sẽ tự nguyện tháo dỡ, di dời ngay sau khi thành phố cho phép nuôi ở khu vực mới.
Ngoài trăn trở của các hộ dân trong HTX Thủy sản Rồng Biển thì việc không có điểm nuôi mới khi đã tháo dỡ lồng bè cũng khiến nhiều hộ dân lâm vào tình cảnh lao đao. Ông Phạm Văn Thìn (trú tại tổ 59, khu 6B, phường Hà Phong), hộ dân NTTS tại khu vực hòn Thành Lãnh, cho biết: Tôi gắn bó với biển từ năm 15 tuổi, đến nay đã gần 30 năm mưu sinh ở khu vực này và đây cũng là nguồn thu nhập chính của cả gia đình với 4 miệng ăn. Năm 2021, biết tin phải chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE để đảm bảo môi trường, tôi đã cắm hết sổ đỏ để vay ngân hàng 700 triệu đồng, đầu tư cho hơn 1 vạn quả phao nổi. Đến nay, sau khi được các lực lượng chức năng kiểm tra, giải thích, biết là khu vực này không được phép nuôi, tôi cũng thuê người tháo dỡ để di dời toàn bộ xong trước ngày 31/3. Nhưng nếu như 3-4 tháng nữa, số phao HDPE này mà không được thả xuống biển thay vì cứ để phơi trên bờ, toàn bộ phao sẽ hỏng. Chúng tôi sẽ lâm vào cảnh không có thu nhập để trả lãi vay hàng tháng và có thể phải đối mặt với những khoản nợ lớn hơn.
Để tạo sự yên tâm và đồng thuận cao của người dân, TP Hạ Long cần tiến hành song song việc xử lý vi phạm với việc lựa chọn khu vực có điều kiện thích hợp, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt chủ trương lập quy hoạch khu vực NTTS ngoài vùng lõi Vịnh Hạ Long. Khi có khu vực nuôi mới, có thể đảm bảo nguồn thu nhập của các hộ dân không bị đứt gãy trong thời gian dài và không lãng phí nguồn vật liệu đã đầu tư. Bởi khi quy hoạch NTTS cũ đã hết hiệu lực, hoặc bị bãi bỏ, trong khi đó quy hoạch mới chưa được hình thành, mà nhu cầu NTTS của người dân là có và ngày càng lớn, điều này phát sinh tình trạng NTTS trái phép hoặc biết là sai những vẫn cố tình làm liều.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Quảng Ninh, khẳng định: Thực tế cho thấy, chỉ khi các hộ NTTS được giao, cho thuê mặt nước mới đủ cơ sở pháp lý để đơn vị chức năng triển khai các hoạt động tiếp theo. Bao gồm công nhận NTTS trong quy hoạch; cấp mã vùng nuôi trồng; cấp phép NTTS; hội NTTS được thụ hưởng chính sách hỗ trợ hiện hành... Và hơn hết, khi được giao, cho thuê mặt nước thì chính người dân mới yên tâm đầu tư NTTS bền vững, chấp hành các quy định NTTS đã đề ra.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()