Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 10:08 (GMT +7)
TP Hạ Long làm mới các sản phẩm để thu hút khách du lịch
Thứ 5, 16/02/2023 | 09:45:12 [GMT +7] A A
Năm 2023, TP Hạ Long phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 18.700 tỷ đồng. Hiện thành phố chủ động làm mới các sản phẩm du lịch, tiếp tục khai thác tối đa những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người và các tuyến giao thông động lực mới đưa vào sử dụng. Từ đó, tập trung thu hút đầu tư, hình thành và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới, đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao và phù hợp với từng phân khúc của thị trường khách du lịch, hạn chế tính mùa vụ, tăng tính bền vững cho du lịch thành phố.
Ngày 10/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 (Quyết định số 72/QĐ-TTg). Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển TP Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Về du lịch, TP Hạ Long phát triển các khu du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại khu vực phía Tây và phía Bắc vịnh Cửa Lục; du lịch văn hóa tại khu vực phía Đông và vùng đồi núi phía Bắc; phát triển hệ thống các bãi tắm và dịch vụ công cộng tại các khu vực ven biển: Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Hồng Hà, Hà Phong, Yết Kiêu, Cao Xanh... Đồng thời, phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch đa dạng trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Cửa Lục, hồ Yên Lập và khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Với định hướng đó, thành phố đã và đang xây dựng nhiều dòng sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó chủ động làm mới và nâng cấp chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có. Cụ thể, thành phố dự kiến khai thác, tổ chức tuyến tham quan núi Bài Thơ cùng với Di tích lịch sử cấp quốc gia, bao gồm: Trung tâm điện chính Bưu điện Quảng Ninh trên núi Bài Thơ, núi Bài Thơ, chùa Long Tiên và đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn (nằm trong Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ). Núi Bài Thơ vốn là điểm tham quan thú vị, thu hút đông du khách, nhất là khách quốc tế đến trải nghiệm. Tuy nhiên, vào năm 2017, núi Bài Thơ tạm thời đóng cửa do các công trình trên núi bị xuống cấp gây những hình ảnh mất thẩm mỹ, tính linh thiêng của lịch sử, mất an toàn cho du khách và ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Vì vậy, UBND thành phố đã xây dựng phương án tu bổ, tôn tạo di tích đối với lối vào di tích, nhà ban quản lý di tích, các hạng mục nằm trong di tích núi Bài Thơ. Triển khai những hạng mục trên, thành phố sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện công tác GPMB và kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư tu bổ, tôn tạo. Núi Bài Thơ sau khi được trùng tu, tôn tạo giao doanh nghiệp quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích và được khai thác một số dịch vụ trên núi (bán đồ uống, đồ lưu niệm), nghiên cứu việc bán vé tham quan theo quy định.
Bên cạnh đó, thành phố cũng lên phương án kết nối các di tích: Chùa Long Tiên, Khu văn hóa núi Bài Thơ, Đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, Nhà tù giam chính trị, nhà chờ phà, cụm Ba Đèo, Nhà thờ Hòn Gai gắn với Chợ Hạ Long 1; Công viên Hạ Long, Quảng trường 30-10, Bảo tàng Quảng Ninh, Thư viện tỉnh, Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long... Đây là những điểm nằm trong tuyến tham quan số 1 theo Quyết định số 2685/QĐ-UBND và Quyết định 1398/QĐ-UBND của UBND tỉnh về công nhận tuyến, điểm du lịch trên địa bàn các địa phương...
Cùng với các điểm du lịch trong trung tâm, thành phố sẽ khai thác tối đa các điểm đến ở khu vực ngoại thành như danh thắng chùa Lôi Âm và hồ Yên Lập. Trung bình mỗi năm chùa Lôi Âm đón khoảng 120.000 lượt khách, tập trung nhiều vào dịp đầu xuân và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng và công tác quản lý tại di tích chùa Lôi Âm còn nhiều bất cập, do đó chưa phát huy được hết giá trị vốn có. Vì vậy, UBND thành phố dự kiến mở rộng đường vào khu di tích, trong đó xây dựng nhà để xe; cải tạo lại hệ thống bến thuyền; xây dựng nhà điều hành; xây dựng, quy hoạch, sắp xếp các điểm dịch vụ ăn uống, khu bán hàng và các dịch vụ bổ trợ, đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường…
Theo anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hạ Long, địa phương cũng đã lên phương án liên kết với các điểm du lịch, thiết lập tuyến, kết nối các điểm tham quan liên thông giữa Vịnh Hạ Long với khu vực núi, rừng gắn với tăng cường hiệu quả của các chợ du lịch. Đồng thời, đề xuất các tuyến du lịch mới như: Vịnh Hạ Long - Trung tâm thành phố; Vịnh Hạ Long - Cụm di tích lịch sử danh thắng chùa Lôi Âm và hồ Yên Lập - xã Bằng Cả. Qua đó, mang đến cho du khách đa trải nghiệm, từ các khu vui chơi giải trí đẳng cấp, hiện đại, các di tích lịch sử, các công trình biểu tượng văn hoá truyền thống của giai cấp công nhân mỏ; đến hoà mình vào cảnh sắc, mây trời, thiên nhiên, văn hoá, con người độc đáo của đồng bào các dân tộc Hạ Long (Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán). Từ đó, khẳng định và tạo ấn tượng về một Hạ Long văn minh, thân thiện, hiện đại.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()