Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 04:14 (GMT +7)
TP.HCM: Chưa có cơ sở để xem COVID-19 là bệnh cúm mùa
Thứ 3, 15/02/2022 | 08:58:35 [GMT +7] A A
Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, Dịch COVID-19 là một sự việc chưa từng có tiền lệ. Chúng ta chưa hiểu đủ về nó để có thể kết luận COVID-19 giống như sốt xuất huyết hay dạng bệnh lý thông thường.
Chiều 14/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Nhiều nội dung liên quan việc tiêm vaccine cho trẻ em, đánh giá cấp độ dịch và hoạt động kinh doanh xăng dầu... được đại diện các cơ quan chức năng thông tin.
Chưa có cơ sở để xem COVID-19 là bệnh cúm mùa
Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai, trong 7 ngày qua, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh xuống mức thấp, dưới 4 ca/ngày, có ngày không ghi nhận ca tử vong.
Mặc dù đây là tín hiệu lạc quan nhưng trước câu hỏi có thể xem COVID-19 như bệnh cúm mùa thông thường không khi số ca mắc và tử vong đang ngày càng giảm, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng chưa có cơ sở để xem COVID-19 như cúm mùa và xử lý như một bệnh lý thông thường.
“Dịch COVID-19 là một sự việc chưa từng có tiền lệ. Chúng ta chưa hiểu hết, hiểu đủ về nó để có thể kết luận COVID-19 giống như sốt xuất huyết hay một dạng bệnh lý thông thường. Người dân phải tiếp tục tăng cường các biện phòng, chống dịch, không nên chủ quan,” bà Mai nhấn mạnh.
Về tác động của COVID-19 ở trẻ em, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết qua theo dõi tại Thành phố Hồ Chí Minh, trẻ mắc COVID-19 thường không có diễn biến nặng và ít tử vong hơn so với người lớn tuổi.
Tuy nhiên, các nhóm trẻ em suy dinh dưỡng, béo phì hoặc có bệnh nền… vẫn phải thật thận trọng vì những trẻ này thường có thể trạng yếu nên có nguy cơ biến chứng nặng cao hơn khi mắc COVID-19, vì vậy các phụ huynh cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cho trẻ và tiêm vaccine cho trẻ ngay khi đến lượt.
Dự kiến tiêm vaccine cho 970.000 trẻ em
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết về kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi.
Tuy nhiên, Sở Y tế đã tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố về kế hoạch tiêm cho 970.000 trẻ thuộc nhóm tuổi này đang sinh sống trên địa bàn thành phố, bao gồm 950.000 trẻ đi học và 20.000 trẻ không đi học. Số liệu này do Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê.
Dự kiến thời gian tiêm mũi 1 diễn ra trong 30 ngày, mũi 2 trong 30 ngày. Khoảng cách giữa 2 mũi do Bộ Y tế hướng dẫn.
Trong thời gian chờ triển khai, HCDC đã tập huấn, hướng dẫn các địa phương về quy trình tiêm chủng an toàn cho trẻ, giám sát công tác tiêm chủng, bảo quản vaccine và cách xử lý khi có sự cố…
Việc tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi phải có sự đồng ý của phụ huynh, trên tinh thần tự nguyện. Trong trường hợp gia đình trẻ không đồng thuận, về nguyên tắc, trẻ vẫn được đi học bình thường.
Tuy nhiên, địa phương và ngành y tế, giáo dục sẽ cố gắng thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho trẻ.
Ông Nguyễn Hồng Tâm cũng cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, do hoạt động đi lại, giao lưu tăng cường nên số ca mắc COVID-19 tại thành phố tăng nhẹ, ngày cao nhất có 300 ca mắc mới. Tuy nhiên, hai ngày qua số mắc đã giảm.
Cụ thể, ngày 13/2 có 182 ca, ngày 14/2 cũng dưới 200 ca. Quan trọng nhất là số tử vong vẫn giảm rất thấp, đây là tín hiệu rất lạc quan.
Ông Tâm nhận định, khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, nguy cơ số ca mắc có thể tiếp tục tăng cao do việc chấp hành phòng dịch của trẻ em không như người lớn.
Ngành y tế, ngành giáo dục thành phố cam kết sẽ làm hết sức mình để thực hiện tốt nhất quy trình xử lý khi phát hiện F0, F1, cố gắng không để xảy ra lây lan dịch trong nhà trường.
Liên quan đến quy định về phòng dịch COVID-19 với người nhập cảnh, ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin Thành phố Hồ Chí Minh hiện không còn xét nghiệm nhanh cho đối tượng này tại Sân bay Tân Sơn Nhất.
Quy trình mới được thực hiện như sau: Trước khi lên máy bay về Việt Nam, hành khách phải có kết quả PCR âm tính trong 72 giờ và thực hiện khai báo y tế. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, hành khách phải khai báo y tế trên phần mềm PC-COVID. Người tiêm đủ số mũi vaccine COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh sẽ được về nhà và cách ly, theo dõi sức khỏe trong 3 ngày, không tiếp xúc với người khác hoặc ra khỏi nhà.
Vào ngày thứ 3, y tế địa phương sẽ đến nhà lấy mẫu xét nghiệm PCR. Nếu âm tính, người nhập cảnh tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà, nếu nhân viên y tế nhận thấy có yếu tố nghi ngờ sẽ xét nghiệm lại cho người nhập cảnh.
Với người nhập cảnh chưa tiêm chưa đủ mũi vaccine sẽ phải cách ly bắt buộc tại nơi lưu trú 7 ngày. Y tế địa phương sẽ thẩm định điều kiện nhà ở của người này, nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà. Nếu không đủ điều kiện, người này phải cách ly tập trung hoặc tại các khách sạn.
Y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3 và 7. Nếu âm tính, người nhập cảnh tiếp tục theo dõi sức khỏe hết 14 ngày. Trong thời gian 14 ngày, người nhập cảnh dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến 3 tầng hoặc cơ sở y tế tư nhân theo nguyện vọng.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()