Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 17:54 (GMT +7)
Trẻ bị rôm sảy có nên tắm bằng các loại lá?
Thứ 3, 23/07/2013 | 22:51:12 [GMT +7] A A
Hỏi: Con trai tôi 8 tháng tuổi. Mấy hôm nay, cháu nổi mụn li ti ban đầu ở cổ, trán sau lan khắp người, ngứa ngáy nên cháu hay quấy khóc. Mọi người bảo cháu bị rôm sảy nên tôi đã tắm đủ mọi loại nước lá rau má, bàng, sài đất... nhưng vẫn không thấy đỡ. Cháu không có hiện tượng sốt. Tôi phải chữa cho cháu như thế nào để cháu hết bị ngứa trong những ngày hè nắng nóng này? Bác sỹ cho biết thêm cách phòng bệnh cho cháu.( Phạm Thanh Giang, Cẩm Phả)
Trả lời:
Theo như chị phản ảnh thì nhiều khả năng cháu bị rôm sảy mùa hè, tuy nhiên nếu thấy cháu có sốt hoặc có biểu hiện gì khác thì chị nên cho cháu đi khám bệnh tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Rôm sảy là bệnh rất thường gặp vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng. Biểu hiện là những mụn nước nhỏ li ti xuất hiện ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như: trán cổ, ngực, lưng, sau có thể lan ra khắp người. Nguyên nhân do sự tăng tiết và ứ đọng mồ hôi, tạo nên phản ứng viêm nhiễm da. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ hơn người lớn vì da trẻ mỏng, cấu trúc chưa ổn định nên rất dễ tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng.
Để phòng rôm sảy cho trẻ vào mùa hè, cha mẹ cần chú ý tắm rửa, giữ vệ sinh sạch sẽ da cho bé. Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Điều quan trọng là cha mẹ cần tắm cho trẻ hằng ngày để da sạch sẽ, cho bé ăn các đồ mát, nếu trẻ còn bú thì mẹ phải tránh thức nóng và ăn đồ mát. Trong một số trường hợp, trẻ không được chú ý tắm rửa, gãi nhiều khiến da xây xát, bị nhiễm khuẩn thành mụn mủ. Khi đó trẻ cần được đưa đi khám để được điều trị kịp thời.
Có nên tắm cho trẻ bằng các loại lá?
Theo các bác sĩ nhi khoa, nên hết sức thận trọng khi sử dụng các loại lá khi tắm cho trẻ (Ảnh minh họa) |
Rất nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có hiện tượng bị rôm sảy thường vò các loại lá như sài đất, chè tươi, mướp đắng... để tắm. Theo các bác sĩ nhi khoa, nên hết sức thận trọng khi sử dụng các loại lá này như: cần phải rửa sạch, kỹ, ngâm qua nước muối trước khi đun nước tắm vì các loại lá này có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại, thậm chí có thể có thuốc bảo vệ thực vật, rất khó rửa sạch nên chưa biết là tốt hay hại.
Theo Đông Y, tắm lá là phương pháp điều trị bệnh có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng loại, đúng cách có thể làm trẻ nhỏ bị nhiễm trùng da. Theo BS. Đặng Thị Phúc thì từ xưa đến nay, dân gian vẫn thường dùng cây cỏ để tắm cho trẻ. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ tình trạng bệnh của trẻ cũng như tác dụng của từng loại lá, có thể sẽ làm bệnh của trẻ càng nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhất là với những trẻ đã mắc bệnh ngoài da.
Nhiều cha mẹ thường truyền tai nhau "quan niệm" tắm nước lá tốt, vừa có tác dụng diệt khuẩn lại không hóa chất nên tìm mọi loại lá tắm cho trẻ. Chẳng hạn, nếu bé chỉ bị mụn kê thì dùng lá chè, kinh giới; nếu trẻ bị lở chốc, mụn nhọt thì dùng thêm nhọ nồi, cây hoa cứt lợn, rau chân vịt; muốn tắm cho thơm thì dùng lá mùi tươi, hạt mùi, lá chanh. Nhưng thực tế, đây chỉ là những biện pháp truyền miệng, chưa có cơ sở chứng minh tác dụng.
Có nên dùng phấn rôm?
Việc lạm dụng phấn rôm có thể gây những tác hại khó ngờ (Ảnh minh họa) |
Khi bị rôm sảy, nhiều bậc phụ huynh cũng có thói quen dùng phấn rôm xoa ngoài da các bé để không bị ẩm ướt do nhiều mồ hôi. Có nhiều công thức hóa học pha chế phấn rôm tùy nơi sản xuất nhưng thành phần chính vẫn là bột talc, muối calci, muối kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm.
Tuy nhiên, việc lạm dụng phấn rôm có thể gây những tác hại khó ngờ. Khi hít phải bụi phấn rôm, trẻ sẽ bị ho, khó thở, nôn và có thể tím tái, phù phổi. Để tránh những tác hại cho trẻ, phụ huynh cần chọn các sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, còn hạn sử dụng và không chứa chất gây hại.
Trước khi dùng, phụ huynh cần thử phản ứng da của trẻ với sản phẩm bằng cách lấy một ít phấn ra tay, thoa nhẹ nhàng lên da của bé và theo dõi trong 24 giờ; tránh bôi phấn cho trẻ ở nơi có nhiều gió, quạt; không thoa phấn lên vùng da bị hăm hay đang bị viêm nhiễm và sau khi sử dụng xong cần đậy nắp, cất nơi cao, tránh xa tầm với của trẻ.
Xử trí và phòng tránh rôm sảy
Khi bị rôm sảy, trẻ rất hay quấy khóc, khó chịu nên phòng của trẻ phải rộng rãi, thoáng mát, tránh đông người; nên mặc quần áo vải cotton mềm, thoáng, rộng và nhạt màu cho trẻ; tắm cho trẻ ngày một lần để da sạch sẽ, mồ hôi được bài tiết dễ dàng, có thể tắm cho bé bằng mướp đắng, lá sài đất tươi giã nát, chè xanh (đảm bảo an toàn) cho vào miếng vải sạch lọc vắt lấy nước tắm hoặc có thể tắm cho bé bằng sữa tắm diệt khuẩn.
Sau khi tắm, lau khô trẻ bằng khăn tắm mềm, mịn, chất liệu cotton thấm hút tốt và không chà mạnh lên da trẻ. Tuyệt đối không sử dụng phấn rôm bôi lên chỗ rôm sảy. Người mẹ cần ăn uống điều độ, tránh những đồ ăn nóng, nên ăn nhiều đồ mát và uống nhiều nước nếu đang cho con bú. Quần áo của bé phải được giặt sạch và được phơi ở nơi không có bụi khói. Cắt ngắn móng tay, móng chân cho trẻ để tránh khi bị ngứa trẻ gãi làm nhiễm khuẩn da.
Cần đưa trẻ đi khám bệnh khi bị rôm sảy kéo dài hay có các dấu hiệu bội nhiễm như: da sưng, nóng, đỏ, đau; có mủ chảy ra; sưng hạch vùng cổ, nách, bẹn, sốt, ớn lạnh...
Ths.Bs. Trịnh Văn Mạnh
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
Mọi thắc mắc của độc giả về vấn đề sức khỏe có thể gửi vào địa chỉ email: baoquangninh@gmail.com hoặc trinhmanhqnsyt@gmail.com
Độc giả cũng có thể liên hệ trực tiếp theo số điện thoại 0333.829235 để được giải đáp.
Liên kết website
Ý kiến ()