Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 04:57 (GMT +7)
Trên quê hương Đệ tứ Chiến khu anh hùng
Thứ 7, 19/08/2023 | 16:20:32 [GMT +7] A A
Đông Triều không chỉ tự hào là nơi thành lập Đệ tứ Chiến khu trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà còn vững tin ở hiện tại và tương lai, quyết tâm xây dựng quê hương trở thành thành phố động lực ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh.
Sứ mệnh to lớn
Trước tình thế cách mạng dần chín muồi, từ ngày 15 đến 20/4/1945, Hội nghị cách mạng quân sự Bắc Kỳ họp tại Bắc Giang do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì đã quyết định những vấn đề về quân sự, trong đó có vấn đề thành lập “Đệ tứ Chiến khu Đông Triều”, nhằm tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc.
Ngày 8/6/1945, diễn ra khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Triều và Chiến khu Trần Hưng Đạo - Chiến khu Đông Triều (hay Đệ tứ Chiến khu) được thành lập tại đình Hổ Lao, xã Tân Việt, Đông Triều có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn tiền khởi nghĩa ở vùng Duyên hải Đông Bắc Tổ quốc.
Lực lượng chiến khu bao gồm các lực lượng cách mạng và yêu nước mà tiêu biểu là các tổ chức của Mặt trận Việt Minh ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. Địa bàn hoạt động của Chiến khu bao gồm toàn bộ vùng Đông Bắc và một phần vùng Duyên hải Bắc Bộ thuộc Hải Dương, Hải Phòng. Bộ máy của Chiến khu do Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo.
Trước đó, lực lượng vũ trang cách mạng dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Nguyễn Bình đã đồng loạt đánh chiếm các đồn Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh. Từ Chiến khu Trần Hưng Đạo, lực lượng cách mạng tỏa đi các địa phương để lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh. Đến giữa tháng 7/1945, khi thế và lực của ta đã đủ mạnh, Uỷ ban quân sự Chiến khu quyết định tiến đánh để giành chính quyền tại tỉnh lỵ Quảng Yên, tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước được giải phóng - một dấu ấn đặc sắc trong Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ninh.
Ở Cẩm Phả, Hòn Gai và các huyện miền Đông, một số nơi tiến hành khởi nghĩa tự quản, một số nơi mời nghĩa quân Đệ tứ chiến khu về tiếp quản chính quyền cách mạng. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Chiến khu Đông Triều đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, đạt được nhiều thành tựu to lớn và oanh liệt, thực hiện đúng lời dạy của Lê Nin: "Trong tình thế cách mạng khẩn trương đã làm việc với tinh thần một ngày bằng 20 năm".
Sự ra đời Chiến khu Đông Triều là kết quả của sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đã khơi dậy được tinh thần yêu nước và tập hợp được lực lượng cách mạng và nhân dân ở Đông Triều và các vùng xung quanh, đập tan chính quyền thực dân, phong kiến và tay sai, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sự ra đời và phát triển của Chiến khu mang ý nghĩa to lớn, tạo nền tảng cho quá trình xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của cả nước.
Ông Nguyễn Quang Nhạ, nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Triều (nay là TX Đông Triều), đánh giá: Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Đông Triều diễn ra đúng với đường lối cách mạng của Đảng, để lại nhiều bài học quý trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và đã đóng góp vào kho tàng lý luận vận động cách mạng của Đảng. Nhân dân và các lực lượng vũ trang Đông Triều luôn tự hào với những chiến công vẻ vang, những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng để viết tiếp trang sử mới, xây dựng quê hương Đông Triều ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Viết tiếp trang sử mới
Từ bệ phóng quá khứ, điểm tựa của truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng, mảnh đất Đông Triều hôm nay ngày càng vươn lên với thế và lực mới. Năm 2015, huyện Đông Triều chính thức trở thành thị xã. 5 năm sau, thị xã chạm đích đô thị loại III sau chặng đường bền bỉ vượt khó. Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, đặt mục tiêu nâng cấp Đông Triều đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2025. Với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, đến thời điểm này, Đông Triều đang mang dáng vóc của đô thị văn minh, hiện đại, năng động với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trước năm 2025.
Giai đoạn 2021-2025, thị xã huy động 7.830 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội; nâng cấp các khu dân cư cũ trong nội thị, quy hoạch và xây dựng một số khu dân cư đô thị mới gắn với thương mại dịch vụ... Trong đó, ưu tiên nguồn lực nâng cấp hạ tầng cho 4 xã Bình Dương, Bình Khê, Thủy An, Yên Đức lên phường.
Thị xã đã có những định hướng đúng đắn trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng, từng bước quản lý tốt quy hoạch xây dựng đô thị và chương trình phát triển đô thị. Một loạt khu đô thị mới được hình thành ở Đông Triều như: Khu đô thị hai bên đường 188 (phường Mạo Khê); khu đô thị hai bên đường tránh (phường Đông Triều); khu đô thị mới Kim Sơn phía Bắc QL18, khu đô thị phía Nam QL18, khu công nghiệp và đô thị Quán Triều (phường Kim Sơn)...
Nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng trên địa bàn được đầu tư đã đưa vào khai thác, như: Nâng cấp đường và xây dựng cầu Đông Mai từ xã Nguyễn Huệ (TX Đông Triều) sang phường Văn Đức (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương); nâng cấp, mở rộng QL18; nâng cấp các tuyến đường tỉnh ĐT326, ĐT333; các tuyến đường vào khu lăng mộ nhà Trần; đường tỉnh 345 kết nối với tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang...
Một số công trường ở các dự án Đường trung tâm thị xã; Quảng trường trung tâm thị xã; dự án điểm xen cư thôn Tân Thành, xã Bình Dương, dự án giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng đất dân cư Điểm phía Bắc trụ sở UBND phường Hưng Đạo, dự án Khu dân cư Vĩnh Hòa (khu C), phường Mạo Khê, tuyến đường kết nối giữa Quốc lộ 18 và đường ven sông, hạ tầng tái định cư ở xã Yên Đức đang nhộn nhịp người xe thi công sôi động.
Nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn đang được chuẩn bị đầu tư, gồm: Dự án cải tạo, mở rộng đường tỉnh 333, dự án tuyến đường phía Bắc từ tuyến đường tâm linh Ngọa Vân - Hồ Thiên - Yên Tử qua các điểm di tích Nhà Trần, Sân Golf Đông Triều, đấu nối giao thông Tỉnh lộ 345 đến cổng tỉnh; dự án Trường liên cấp chất lượng cao tại Trung tâm Hành chính - Văn hóa mới (phường Kim Sơn). UBND thị xã cũng vừa đề xuất khởi công một số công trình mới trong năm 2024 tại các xã, phường trên địa bàn, gồm: Thủy An, Việt Dân, Yên Đức, Hồng Thái Đông, Xuân Sơn, Kim Sơn.
Cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XXV của Đảng bộ thị xã, vượt qua những khó khăn của dịch Covid-19, Đông Triều đã có bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,6%/năm. Tổng giá trị sản xuất tăng 50% so với năm 2020. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 7.800 USD, tăng 49% so với năm 2020, đạt 78% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Thu ngân sách trên địa bàn bình quân tăng 13,1%/năm. Từ năm 2021, thị xã thực hiện tự cân đối ngân sách, trước 4 năm so với mục tiêu Nghị quyết.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm dần, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng nhanh. Khu vực công nghiệp duy trì vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế đang phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gắn với quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, tăng cường bảo vệ môi trường. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 15,66%/năm. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chững lại. Tuy nhiên, từ năm 2022 ngành dịch vụ, thương mại bắt đầu tăng trưởng mạnh trở lại. Bình quân giai đoạn 2021-2023 là 10,8%/năm.
Hôm nay, đô thị Đông Triều đã được khoác lên mình một diện mạo mới khang trang. Đó là bức tranh xen lẫn nhà máy, xí nghiệp, công trường với những đồi na bạt ngàn, với quần thể di tích lịch sử nhà Trần đang được kết nối với danh thắng Yên Tử, Bạch Đằng. Miền đất kinh tế năng động đang được khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, đưa bước chân du khách lãng du ở một miền trầm tích văn hóa... Trong tương lai gần, khi trở thành thành phố thứ 5 trực thuộc tỉnh, Đông Triều sẽ có thêm thế và lực mới cho quá trình hội nhập, phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế là động lực phát triển khu vực phía Tây của tỉnh.
Nhìn lại những bước đi của quê hương, ông Nguyễn Quang Nhạ bày tỏ niềm tự hào: Từ một huyện nông nghiệp, Đông Triều đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ trở thành thị xã nông thôn mới đầu tiên trong cả nước. Xã Việt Dân là một trong những xã nghèo nhất thời bao cấp nay đã là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên. Cả xã đã là vườn cây ăn quả xen lẫn những biệt thự mái ngói đỏ tươi. Màu xanh cỏ cây hòa với màu ngói đỏ như một bức tranh lụa hữu tình. Bằng đôi bàn tay, sức lực, trí tuệ của người Đông Triều, quê hương đang đổi mới từng ngày với tương lai ngày một rộng mở...
Phạm Học
- Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Quảng Ninh
- Giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh
- Giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại khu vực miền Tây tỉnh Quảng Ninh
- Hào khí Cách mạng Tháng Tám trên Đất mỏ
- Cách mạng Tháng Tám - Những bài học còn mãi
Liên kết website
Ý kiến ()