Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:14 (GMT +7)
Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Thứ 2, 13/05/2024 | 09:10:30 [GMT +7] A A
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm, có 81.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng có tới 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường chủ yếu do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, “khát” vốn, thiếu kinh phí đầu tư và khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và hội nghị trực tuyến chính phủ với địa phương, trong đó chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như đã thực hiện trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng 10% VAT đến hết năm 2024; gia hạn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023,...
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 2% VAT trong sáu tháng cuối năm sẽ khiến ngân sách nhà nước dự kiến giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng, cả năm 2024 dự kiến giảm thu hơn 47.000 tỷ đồng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 2% VAT trong sáu tháng cuối năm sẽ khiến ngân sách nhà nước dự kiến giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng, cả năm 2024 dự kiến giảm thu hơn 47.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, đây là chính sách mang lại hiệu quả nhất trong các gói hỗ trợ đối với người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 và nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của toàn xã hội. Việc giảm 2% VAT đến hết năm 2024 cũng kích thích tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm tính cạnh tranh và sự phục hồi của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Từ đó các doanh nghiệp có thể gia tăng lợi nhuận, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo đà tăng trưởng, mở rộng quy mô sản xuất để duy trì việc làm cho người lao động, cũng như góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí là rất cần thiết. Bên cạnh việc duy trì chính sách tài khóa khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ và Quốc hội cần tiếp tục có thêm nhiều chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, miễn, giảm các loại thuế phí và thúc đẩy tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Các chính sách ban hành cần có hướng dẫn cụ thể, nhằm khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo trong thực thi và triển khai theo hướng đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả. Chính sách mới phải tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thực chất và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tương tự như chính sách giảm 2% VAT, từ đó củng cố niềm tin thị trường và tạo thêm không gian phát triển mới cho doanh nghiệp.
Với các chính sách hỗ trợ được thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả thực chất, chắc chắn sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thích ứng, chủ động xây dựng chiến lược phát triển và ngày càng lớn mạnh, trở thành trụ cột của nền kinh tế đất nước.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()