Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 10:34 (GMT +7)
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm
Thứ 6, 18/09/2020 | 05:59:24 [GMT +7] A A
Theo thông tin của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, số ổ dịch cúm gia cầm trên cả nước tăng gấp 2 lần, số gia cầm buộc tiêu hủy tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2020 cũng đã xuất hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6, tại các huyện Đầm Hà, Tiên Yên và TP Móng Cái; tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy theo quy định là hơn 5.000 con. Nguyên nhân được xác định là do các hộ chăn nuôi không kiểm soát được các yếu tố nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, mua con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc và đã nhiễm bệnh...
Trước thực trạng và diễn biến của dịch bệnh, thực hiện công điện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng chống bệnh cúm gia cầm lây lan ra diện rộng, mới đây UBND tỉnh đã có công văn gửi các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Theo đó, Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sự lưu hành của vi rút cúm A/H5N1 và các loại cúm gia cầm khác trên các đàn gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng; thông báo kịp thời cho ngành y tế để phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người. Tăng cường kiểm tra, kiểm dịch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định. Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; tăng cường công tác giám sát tình hình chăn nuôi gia cầm để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Chỉ đạo rà soát, kịp thời tiêm bổ sung vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm nuôi mới, nhất là tại các ổ dịch cũ và các địa phương có nguy cơ cao. Các địa phương biên giới, địa phương giáp ranh các tỉnh trong vùng tăng cường giám sát, ngăn chặn vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép, nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm.
Các ngành, lực lượng chức năng quản lý tốt thị trường, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Ngành y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1 và các loại cúm gia cầm khác trên người, chủ động giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng v.v..
Thực tế cho thấy, điều đáng lo ngại hiện nay là hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm giống qua biên giới, nhất là ở khu vực phía Bắc có chiều hướng gia tăng, làm tăng nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 vào nội địa...Vì vậy, để ngăn chặn, phòng chống hiệu quả bệnh cúm gia cầm trên địa bàn, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới. Đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới...
Trải qua nhiều đợt bùng phát dịch cúm gia cầm trong những năm vừa qua, đến nay, hậu quả cũng như những tác hại, ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm đối với đời sống, hoạt động sản xuất, chăn nuôi và sức khỏe của con người hẳn các cấp, các ngành, địa phương và người dân, nhất là với các hộ chăn nuôi đều đã thấm thía và nhận thức rất rõ. Vì vậy, trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan trên địa bàn, các ngành, lực lượng chức năng, địa phương, người dân, đặc biệt là các hộ, cơ sở chăn nuôi cần nâng cao nhận thức về công tác phòng chống dịch, từ đó khẩn trương, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, để bảo vệ an toàn cho sản xuất và sức khỏe nhân dân...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()