Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 11:43 (GMT +7)
Trò qua sông, thầy vẫn dõi theo
Thứ 7, 19/11/2011 | 05:01:51 [GMT +7] A A
Có người ví, người thầy như người lái đò, đưa từng lớp học trò tới bến bờ tri thức, rồi luôn dõi theo từng bước trưởng thành của học trò.
Trong câu chuyện của các thầy cô giáo mỗi khi gặp nhau đều có nhắc đến học trò của mình, nhất là những thầy cô đã nghỉ hưu. Với các thầy cô, dõi theo học trò của mình, như hồi ức về những tháng năm gắn bó trên bục giảng. Thầy cô giáo dõi theo học trò giống như mối quan tâm của cha mẹ với con cái, mà không hề đòi hỏi con cái phải biết tới điều đó. Thấy học trò thành đạt, thầy cô vui mừng. Thấy học trò phạm sai lầm, thầy cô xót xa. Chúng ta thật có lỗi nếu không biết điều này.
Nghề giáo, theo Bác Hồ chính là nghề “trồng người”: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Vị trí người thầy giáo được xác định rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Cảm hứng học tập của học trò phụ thuộc chính vào tinh thần gợi mở và phương pháp giáo dục của người thầy. Người thầy chính là tấm gương đầu tiên của học sinh.
Chúng ta ai ai cũng phải ghi nhớ “công cha nghĩa mẹ ơn thầy”, người thầy luôn được tôn thờ cùng bậc với cha mẹ. Đó là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Ngày nay, đẩy mạnh xã hội học tập cũng đồng nghĩa với phát huy truyền thống tốt đẹp này.
Ngày nay, nhiều người đơn thuần cho rằng hoạt động giáo dục cũng chỉ là một dịch vụ. Vì thế “tâm lý thị trường” đã làm mai một đi phần nào truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Trong bối cảnh này, các thầy cô giáo chân chính nhiều khi cũng bị tổn thương.
Lịch sử Việt Nam có nhiều câu chuyện cảm động về tình thầy trò. Có những học trò giữ chức vụ lớn trong bộ máy nhà nước nhưng vẫn dành thời gian để thăm thầy giáo cũ dạy mình từ thuở nhỏ. Có những thầy cô âm thầm giúp đỡ học trò vượt khó khăn để học thành tài...
Biết bao thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn khó khăn đã tâm huyết, tận tụy hết mình với học trò. Họ đã âm thầm hy sinh cho sự nghiệp “trồng người” mà không hề đòi hỏi danh hiệu xứng đáng...
Thầy cô giáo là thế, hết lòng vì học trò, luôn dõi theo học trò, không đòi hỏi học trò điều gì ngoài mong muốn học trò tiến bộ, trở thành người có ích.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()