Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:14 (GMT +7)
Truyền hình Quảng Ninh - 40 mùa hoa rực rỡ
Thứ 7, 13/01/2024 | 07:00:52 [GMT +7] A A
Năm 2023, truyền hình Quảng Ninh đã tròn 40 năm kể từ khi chương trình truyền hình đầu tiên được phát sóng. Từ bước chân chập chững đầu tiên ấy, truyền hình Quảng Ninh đã tiến lên những bước dài khẳng định vị thế trong ngành PT-TH cả nước và ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Lần ngược theo những trang kỷ yếu được viết bởi những người đặt nền móng cho truyền hình Quảng Ninh, dấu mốc ngày 2/9/1983 đã trở thành một sự kiện lịch sử đáng nhớ và cũng đầy tự hào. Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên ở miền Bắc phát sóng truyền hình. Từ 1 phòng truyền hình với 8 thành viên, họ đã bắt đầu một nền tảng truyền thông mới với thời lượng phát sóng lúc đầu 1 tiếng/ngày. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên, chúng ta cùng nhìn lại hành trình của truyền hình Quảng Ninh qua ký ức của những người trong cuộc.
Những gương mặt đầu tiên
Ông Phạm Xuân Phổ, Giám đốc Đài PT-TH Quảng Ninh giai đoạn 1976-1988:
Đầu tháng 3/1983, tỉnh bắt đầu có chỉ đạo về việc quyết định đầu tư phát triển truyền hình. Tỉnh đã đầu tư 60.000 USD là tiền do hiệu quả kinh doanh xuất khẩu mà có để mua máy phát hình Thomson công suất 1kw của Pháp với hệ thống máy dựng UMATIC được xem là hiện đại nhất lúc bấy giờ. Máy phát hình lắp đặt trong container dã chiến và được đưa lên trạm phát hình bố trí trên đồi Cột 5, ở độ cao 150m, nay thuộc phường Hồng Hải, TP Hạ Long. Đúng 19h ngày 2/9/1983, chương trình truyền hình đầu tiên đã được phát sóng. Và từ đây, Đài chính thức được đổi tên từ Đài Phát thanh Quảng Ninh thành Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh.
Ông Ngô Mai Phong, Phóng viên, quay phim viên đầu tiên:
Cuối tháng 7/1983, tôi cùng 4 người nữa gồm Trần Vĩnh Phương, Trưởng phòng Kỹ thuật Phát thanh; Trương Quang Vinh, kỹ sư vô tuyến; Hà Thế Dũng, nhân viên kỹ thuật; Nghiêm Xuân Trọng; Tổ trưởng Tổ kinh tế công nghiệp, được cử vào Viện nghiên cứu kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, để tham gia khóa tập huấn nghiệp vụ cấp tốc trong một tháng về nội dung và kỹ thuật truyền hình, chuẩn bị cho việc ra đời tại Quảng Ninh một đài truyền hình độc lập. Tôi và anh Nghiêm Xuân Trọng được học về kỹ thuật sản xuất chương trình truyền hình, kỹ năng quay phim và phương pháp thực hiện các thể loại báo chí truyền hình.
Chương trình phát sóng đầu tiên gồm tường thuật lễ khánh thành đài truyền hình, sau đó là một số tin tức về hoạt động của các địa phương hướng về ngày Quốc khánh.
“Quảng Ninh - những ngày tháng 8” là phóng sự phát trong chương trình truyền hình đầu tiên do Nghiêm Xuân Trọng biên tập, quay phim là Hồ Sỹ Vĩ, chuyên gia từ Viện nghiên cứu kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình Việt Nam ra hỗ trợ.
Bà Hồng Hạnh, Phát thanh viên đầu tiên:
Lúc ấy, Đài có 3 phát thanh viên là chị Bích Thìn, chị Vân Sáng và tôi. Tôi trẻ nhất nên được giao nhiệm vụ lên hình buổi đầu tiên. Thời ấy, khi chúng tôi lên hình, những ngày nắng sẽ vào trong UBND tỉnh, lấy vườn hoa của Ủy ban làm hậu cảnh chứ không có phông như bây giờ. Còn ngày mưa thì vào trong phim trường mà phim trường cũng chỉ là một n ửa gian nhà cấp 4 và cũng chỉ có một cái đèn Halogen thôi.
Ký ức những bước đi tự hào
Cho đến năm 1988, khung chương trình phát sóng của Truyền hình Quảng Ninh, ngoài tin tức thời sự trong tỉnh do đài sản xuất, phần còn lại được in phát băng chương trình của đài THVN. Do đó tin tức trong nước và quốc tế luôn phát chậm hơn một ngày. Sau đó, Đài PT-TH Quảng Ninh được lắp đặt trạm phát sóng trên núi Na, xã Sông Khoai, huyện Yên Hưng. Trạm này chuyển tiếp chương trình bằng máy phát UHF[1]60 thu tín hiệu từ máy phát kênh 6 VHF của Đài THVN. Tuy chất lượng không ổn định nhưng người dân Quảng Ninh đã có thể xem trực tiếp chương trình của Đài THVN.
Năm 1990, đáp ứng nguyện vọng được xem trực tiếp các trận đấu tại vòng chung kết bóng đá thế giới tổ chức tại Italia, Đài PT-TH Quảng Ninh đã cải tiến máy phát UHF-60 từ chỗ chỉ thu được kênh 6 VHF thành máy thu đa kênh để có thể thu thêm kênh 2 VHF và bất cứ kênh nào ở khu vực để chọn đường hình, đường tiếng tốt nhất. Các kỹ thuật viên đã thiết lập dây chuyền chuyển tiếp tín hiệu, theo đó phần hình thì thu sóng kênh VHF rồi qua máy phát UHF-60, còn phần tiếng thu song kênh 6 VHF rồi qua máy phát thanh FM đã được cải tiến, cả hai cùng lúc đưa tín hiệu về Đài phát cột 5. Kết quả buổi truyền hình trực tiếp lễ khai mạc và trận khai mạc giữa hai đội Achentina và Camrrun đã được thực hiện thành công.
Ngày 25/4/1995, Đài thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp đầu tiên. Đó là cuộc mít tinh kỷ niệm 40 năm giải phóng Vùng mỏ. Lần đầu tiên tổ chức truyền hình trực tiếp lại là một sự kiện mà đối tượng truyền dẫn hình ảnh lại di chuyển trên đoạn đường dài cả cây số. Ê kip sản xuất đã lắp đặt camera và máy phát hình ERKAN kênh 4 cùng ăng ten định hướng trên 1 xe UAZ hoạt động cơ động trên tuyến đường Lê Thánh Tông để thu truyền tín hiệu. Một hệ thống thiết bị cũng được lắp đặt tại điểm cao trên khán đài ở sân vận động. Hai hệ thống này truyền tín hiệu và âm thanh về Đài phát cột 5 phát lên kênh 12 phục vụ nhân dân. Cuộc THTT này đã tạo tiền đề để Đài thực hiện nhiều cuộc THTT sau này và cả cầu truyền hình trực tiếp.
Cho đến tháng 10/2005, sóng truyền hình chỉ bao phủ 70% địa bàn dân cư của tỉnh, một số huyện miền Đông vẫn chưa được xem trực tiếp truyền hình Quảng Ninh. Các đài truyền thanh, truyền hình huyện đều ghi lại chương trình của tỉnh để phát lại hôm sau.
Nhân Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đài PT-TH Quảng Ninh đã thực hiện dự án “Mở rộng phủ sóng truyền hình Quảng Ninh” đến tất cả các huyện, thị trong tỉnh.
Phương án đưa ra là nâng công suất máy phát hình cột 5 lên 5kw và thiết lập 3 đường truyền tín hiệu công suất 100W, truyền tiếp nối tín hiệu đài phát hình Cột 5 - Vân Đồn - Đầm Hà - Móng Cái. Đồng thời lắp đặt máy phát quảng bá phục vụ nhân dân tại Đông Triều. Việc triển khai dự án được hoàn thành trong vòng 12 ngày đêm từ 18/10 đến 30/10/2005...
Trong hành trình 40 năm từ những ngày sơ khởi, đến nay, Truyền hình Quảng Ninh đã phát sóng tổng thời lượng 48h mỗi ngày, khán giả có thể xem truyền hình Quảng Ninh mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị. Những cuộc thi, những chương trình lớn được tổ chức nhiều năm liền như Giọng hát hay trên sóng phát thanh truyền hình (hiện nay là Giải Sao mai Quảng Ninh), 101 cách thoát nghèo, Cuộc thi người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long, Cuộc thi tiếng hát hữu nghị Việt - Trung, Sau giờ thứ 8... đã ghi dấu khó phai trong lòng khán giả. Những buổi phát sóng mà âm thanh, hình ảnh “lúc rồ, lúc tịt” đã qua, Truyền hình Quảng Ninh giờ đã phát sóng full HD, sản xuất truyền dẫn hoàn toàn bằng công nghệ số. Hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, phim trường ảo, máy quay 4K, flycam... đảm bảo những hình ảnh đẹp nhất sẽ được lên sóng. Tin tức được cập nhật hàng giờ qua các bản tin sản xuất và phát sóng trực tiếp. Các dự án sản xuất chương trình truyền hình đồ sộ như phim tài liệu, ca nhạc, phim truyện truyền hình đã được thực hiện thành công. Thế hệ hôm nay tự hào và tự tin sẽ tiếp nối và viết nên những dấu mốc mới của Truyền hình Quảng Ninh.
Thanh Thiện
Liên kết website
Ý kiến ()