4
18
/
831470
Tự hào hai tiếng "Quảng Ninh"
longform
Tự hào hai tiếng "Quảng Ninh"

 

 “Xa quê hương tạm xa phố biển, đêm nằm mơ rì rào sóng vỗ, thấy như đang Quảng Ninh quê mình”... Mỗi khi lời bài hát “Quảng Ninh quê tôi” vang lên, dù bất kỳ ở nơi đâu, lòng những người con xa quê lại man mác nỗi nhớ mảnh đất chôn rau cắt rốn. Trong ký ức họ chẳng thể quên hình ảnh biển rộng bao la, núi Bài Thơ sừng sững, những con thuyền trở về ăm ắp cá khi bình minh... Và khi nỗi nhớ ấy biến thành động lực để họ trở về.


Trong ký ức những người xa quê, Tết cổ truyền dân tộc là gam màu rực rỡ của hoa đào, mai vàng, câu đối đỏ, bánh chưng xanh... Còn với bà Tô Thị Tuyết Nga, sinh sống tại Thụy Điển 12 năm, ngoài những thứ trên, Tết cổ truyền còn là nỗi nhớ về những món ăn quen thuộc của Quảng Ninh. Bà tâm sự: “Cứ đến cuối tháng 12 âm lịch, gia đình tôi lại quây quần cùng nhau quấn chả nem, luộc bánh chưng, làm dưa muối... những món ăn không thể thiếu trong tết cổ truyền của dân tộc. Dù các chợ châu Á có đủ nguyên liệu để chế biến nhưng riêng món “tủ” của tôi là thịt kho nhục Tiên Yên hay bánh gio Quảng Yên thì không đâu có thể làm được, tôi vẫn phải đợi đến ngày về mới có thể thưởng thức”. Bà nhớ cả cung đường cong cong ven biển bên Bãi Cháy nhìn thẳng ra Vịnh Hạ Long kỳ vĩ với những con gió mặn mòi đặc trưng...

Còn với Vũ Minh Huyền, 27 tuổi, sau gần 10 năm du học ở New Zealand, một trong những niềm tự hào lớn nhất của cô chính là quê hương Hạ Long. Huyền kể: “Những năm tháng còn là sinh viên, trong các chương trình ngoại khóa hay bài luận giới thiệu về quê hương, tôi luôn tự hào mình là một người con của Quảng Ninh, được sinh ra giữa lòng di sản. Rất nhiều bạn bè sau khi đến Hạ Long, đều hết lời khen ngợi vẻ đẹp của nơi đây”. Trong ký ức của thế hệ 9x như Huyền, Hạ Long chính là ngôi trường THCS Kim Đồng nằm trên ngọn đồi cao, là quán sữa chua đã thành thương hiệu ở chùa Long Tiên, hay khu bán đồ ăn vặt ở chợ Loong Toòng tấp nập học sinh sau giờ tan học. Đó là con đường Trần Hưng Đạo với hàng cây thẳng tắp, xanh mướt, công viên Lán Bè nằm ngay bên bờ biển hướng thẳng về phía núi Bài Thơ sừng sững, những bờ cát trải dài thẳng tắp có hàng dừa xanh mướt... Bởi vậy, sau khi tìm được một nửa của mình, Huyền đã về Việt Nam để tổ chức đám cưới ngay bên cạnh kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

 

Trong câu chuyện của những người xa quê, tôi luôn thấy niềm tự hào và ước mong ngày trở về, đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Với vai trò là Quản lý marketing và Truyền thông cho Trường Quốc tế UC - Đại học Canterbury, Vũ Minh Huyền còn dự định kết nối giáo dục giữa các trường THPT và du lịch của Hạ Long với New Zealand. Huyền bảo: “Quảng Ninh ngày càng chuyển mình, vươn lên không ngừng. Có đi xa, mỗi lần trở về mới thấy quê mình “lạ” như thế nào. Quảng Ninh bây giờ có cầu Bãi Cháy, có đường cao tốc, những tổ hợp du lịch, nhà nghỉ hiện đại, sầm uất, còn có cả sân bay Vân Đồn. Tôi muốn góp một phần công sức giúp đỡ học sinh có cơ hội học tập và rèn luyện ở New Zealand, sau đó trở về cống hiến cho quê hương; đồng thời quảng bá du lịch Hạ Long đến với bạn bè quốc tế”.

Với khát vọng cống hiến cho quê hương, nhiều bạn trẻ còn quyết định trở về, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh như trường hợp ông Nguyễn Hoàng Bảo Châu, du học sinh Trung Quốc đã trở về làm việc ở Sở Kế hoạch - Đầu tư. Ông chia sẻ: “Đi khắp bốn phương trời, không đâu bằng nhà mình. Sau khi tốt nghiệp trường đại học ở Trung Quốc, tôi đã làm việc 1 năm ở Hà Nội. Nhưng sâu thẳm, tôi luôn muốn cống hiến và lập nghiệp ở quê hương. 5 năm học tập và sinh sống tại Trung Quốc đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhất là quá trình tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi có thể tự tin giao tiếp và trao đổi, cũng như hướng dẫn các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Trong 3 năm trở lại đây, với chủ trương thu hút đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, số lượng các doanh nghiệp tăng vọt, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài. Điều ấy đòi hỏi chúng tôi càng phải nỗ lực và trau dồi bản thân nhiều hơn nữa”.

Với vẻ đẹp vốn có và sự tăng trưởng không ngừng, Quảng Ninh không chỉ là bến đỗ cho những người con trở về, mà còn níu chân nhiều khách phương xa, biến nơi đây trở thành quê hương thứ 2 của họ. Sau 6 năm công tác tại Quảng Ninh, ông David Laveau, giáo viên người Pháp đã quyết định gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất này. Trong ngôi nhà nằm trên đường Hải Minh, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, ông chia sẻ: “Tôi yêu Quảng Ninh, yêu công việc mình đang làm. Mỗi sớm thức dậy, chỉ cần đi vài bước chân là thấy biển, cuộc sống vô cùng bình yên. Và hơn hết, tôi đã có một tổ ấm ở đây. Mỗi ngày đi làm về, được cùng vợ đi chợ cá, chuẩn bị bữa cơm gia đình hay ngắm Hạ Long, với tôi mỗi phút giây đều vô cùng ý nghĩa”.

Quảng Ninh đã và đang phát triển không ngừng. Với chủ trương và chính sách đúng đắn, Quảng Ninh chính là bến đỗ cho “những cánh chim” trở về, là niềm tự hào của mỗi người con khi cất tiếng: “Tôi là người Quảng Ninh!”

Hoàng Quỳnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu