Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:25 (GMT +7)
Từ nghị quyết đầu tiên xây hành trình bền vững
Thứ 7, 23/10/2021 | 15:48:02 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt 15% và tăng trưởng lên 30% vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ 2020-2025 - Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là chủ trương, quyết sách đúng đắn để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh bứt phá, phát triển nhanh, mạnh, bền vững.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", xác định giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, có tác động lớn đến môi trường, thúc đẩy các ngành có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường. Song song với đó là đẩy mạnh việc thực hiện các đột phá về hạ tầng giao thông; cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, chuyển dịch tích cực cơ cấu lao động theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế...
Những nền tảng quan trọng đó đã tác động, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh và đưa ngành này trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển KT-XH. Quy mô doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo tại tỉnh phát triển khá nhanh, bình quân tăng 11,2%/năm. Nếu như năm 2010, Quảng Ninh có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo, thì đến hết năm 2020 đã tăng lên hơn 800 doanh nghiệp, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP toàn tỉnh từ 6,7% (năm 2010) tăng lên 9,6% (năm 2020). Tổng nguồn vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2010-2020 đạt gần 69.000 tỷ đồng. Ngành đã tham gia giải quyết việc làm cho hơn 54.000 lao động mỗi năm.
Với quyết tâm đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh, ngay từ những bước khởi đầu của nhiệm kỳ mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã sớm ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là chủ trương, quyết sách đúng đắn để tạo bứt phá, lợi thế cạnh tranh hơn nữa cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong giai đoạn mới.
Quan điểm xuyên suốt Nghị quyết là phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và ở từng vùng, từng địa phương, từng KKT, KCN, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi trong các KKT để phát triển KCN và dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Kết hợp chặt chẽ phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Nghị quyết đã xây dựng rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện, tập trung vào việc xây dựng và thực hiện chính sách phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; tổ chức phân bố không gian trong xây dựng Quy hoạch tỉnh; phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng; huy động nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN và hợp tác quốc tế; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Nghị quyết 01-NQ/TU ra đời là sự đột phá, mở ra hướng phát triển hoàn toàn mới cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. Cùng với những lợi thế sẵn có là hệ thống các cảng biển, dịch vụ logistics, các KCN, đường cao tốc, nhất là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc... chắc chắn sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững, thật sự là động lực và có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng bền vững của tỉnh giai đoạn 2020-2025.
Thu Chung
- Công nghiệp chế biến, chế tạo: Động lực phát triển của TP Cẩm Phả
- Chuyển động tích cực từ công nghiệp chế biến, chế tạo
- Công nghiệp chế biến, chế tạo - Động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
- Công nghiệp chế biến, chế tạo: Động lực dẫn dắt tăng trưởng
- Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao, tiếp tục đóng vai trò chủ lực
- Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trong các KCN, KKT
- Công nghiệp chế biến, chế tạo không để phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài
- Thêm gần 5,5 tỷ USD vốn FDI, công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu
Liên kết website
Ý kiến ()