Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 05:49 (GMT +7)
Tuyệt đối không chủ quan
Thứ 3, 28/07/2015 | 06:27:09 [GMT +7] A A
Chỉ trong một ngày đêm (26-7), trận mưa lớn kéo dài đã gây những thiệt hại lớn cho nhiều địa phương trong tỉnh. Nếu như trong trận lụt lịch sử ở Tiên Yên xảy ra vào năm 2008, lượng mưa đo được là 600mm thì lượng mưa ngày 26-7 tại Cửa Ông là 555,8mm; Bãi Cháy - Hạ Long (262mm); Vân Đồn, Quảng Hà (211,3mm); Móng Cái (233,2mm); Cô Tô (281,5mm)...
Tổng hợp từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thì TP Cẩm Phả là địa bàn chịu hậu quả nặng nề nhất. Cụ thể, 3 người trong một gia đình (mẹ và 2 con nhỏ) trú tại khu 9, phường Mông Dương bị thiệt mạng; 1 người ở phường Cẩm Trung bị thương nhẹ; 1 xe bán tải bị trôi và rất nhiều khu dân cư trải khắp các phường đều bị ngập nước. Cùng với đó, có thời điểm, giao thông tê liệt, nhất là ở khu vực phường Cửa Ông; khu vực qua Đài hoá thân An Lạc Viên (phường Quang Hanh). Ước tính, tổng thiệt hại của TP Cẩm Phả trong trận mưa này lên tới 60 tỷ đồng. Tại Vân Đồn, trước nguy cơ vỡ hồ Nhà Thạch ở xã Đoàn Kết, địa phương đã cho phá vai tràn để tăng khả năng tháo nước, hiện đã kiểm soát được tình hình. Cũng từ tổng hợp của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thì đây là địa phương bị thiệt hại nặng thứ hai sau Cẩm Phả với con số ước tính là 35 tỷ đồng. Còn ở TP Hạ Long, không ít khu dân cư và nhiều tuyến đường, đoạn đường chìm trong mênh mông biển nước khiến sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn. Một trong những điểm đáng chú ý là, trong ngày 27-7, tuy mưa đã ngừng nhưng ở nhiều khu dân cư vẫn trong tình trạng ngập lụt do việc tiêu thoát rất chậm.
Một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay đang được lãnh đạo tỉnh và các địa phương chỉ đạo sâu sát đó là tập trung huy động mọi phương tiện, nhân lực để khắc phục hậu quả đồng thời tiếp tục tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng ứng cứu cũng như đảm bảo công tác trực. Theo đó, tại các khu vực đô thị, câu chuyện tiêu thoát nước thực sự cấp bách. Ghi nhận của PV Báo Quảng Ninh ở thời điểm 17 giờ, ngày 27-7, hàng chục hộ dân ở 2 tổ (63, 64) khu 7, phường Cao Thắng vẫn sống trong cảnh lụt lội. Còn ở những địa phương thuộc khu vực miền núi thì cần đề cao cảnh giác với nguy cơ sạt lở đất và sẵn sàng cho phương án di dân. Với 100 điểm sạt lở trên các tuyến giao thông trong toàn tỉnh đã được khắc phục để đảm bảo thông suốt quả là một nỗ lực lớn cần được ghi nhận song vẫn cần tổ chức lực lượng theo dõi, bám sát để kịp thời phòng tránh các tình huống xấu xảy ra. Và chúng ta vô cùng trân trọng sự trách nhiệm, hết mình vì nhân dân của lực lượng cảnh sát giao thông đã vượt qua khó khăn để hướng dẫn và giúp đỡ người tham gia giao thông khi khắp các ngả đường rơi vào cảnh ngập sâu.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quảng Ninh, mưa chưa phải đã ngừng hẳn mà vẫn còn tiếp tục. Do vậy, mỗi gia đình, mỗi người dân cần chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chức năng cũng như địa phương khi được dự báo có nguy hiểm. Trước mắt, các địa phương cần nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống, có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường các khu vực công cộng, trên các tuyến đường giao thông cũng như các khu dân cư.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()