Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 12:56 (GMT +7)
TX Đông Triều: Phát triển sản xuất gạch theo hướng bền vững
Thứ 7, 22/10/2022 | 13:39:37 [GMT +7] A A
Công nghiệp sản xuất gạch trên địa bàn TX Đông Triều từ lâu đã là ngành sản xuất mũi nhọn, đóng góp tỷ trọng không nhỏ vào tổng giá trị sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên đây cũng là một ngành sản xuất gây không ít tác động tiêu cực đến môi trường. Trước thực trạng đó, thị xã đã và đang có những chính sách dài hạn, quyết liệt để đảm bảo tính bền vững trong quản lý, phát triển sản xuất của các nhà máy gạch.
Doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ mới
Trên địa bàn TX Đông Triều có 22 đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, tập trung chủ yếu tại phường Kim Sơn và một số xã, phường khác trên địa bàn như Tràng An, Hoàng Quế, Xuân Sơn, Mạo Khê. Trong đó, có 16 đơn vị sản xuất gạch, ngói từ đất sét nung; 4 đơn vị sản xuất gạch ốp lát; 2 đơn vị sản xuất gạch không nung. Các đơn vị này cung cấp ra thị trường khoảng 900 triệu viên/năm và 30 triệu m2 sản phẩm/năm.
Không chỉ là đầu mối lớn nhất cung cấp sản phẩm gốm sứ, vật liệu xây dựng trong tỉnh, các sản phẩm mũi nhọn này của Đông Triều còn đang được phân phối tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương.
Cánh chim đầu đàn trong ngành công nghiệp sản xuất gạch, ngói của TX Đông Triều phải kể đến là Công ty CP Gốm Đất Việt. Việc đầu tư bài bản với dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại được nhập khẩu trực tiếp từ Italia, Đức và liên tục đưa các công nghệ tiên tiến nhất Việt Nam hiện nay vào sản xuất như: Hệ thống máy đùn liên hợp, công nghệ nghiền khô, máy dập và cắt ba via tự động, công nghệ phun men trực tiếp... đã giúp Gốm Đất Việt xác lập 22 kỷ lục Việt Nam và 2 kỷ lục thế giới; 5 bằng độc quyền sáng chế; các giải thưởng chất lượng quốc gia và một số giải thưởng cao quý khác. Qua đó, khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm đất sét nung hàng đầu Việt Nam. Hiện các sản phẩm gạch cotto, ngói của Gốm Đất Việt có mặt ở 63 tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu tới 51 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Cùng với Gốm Đất Việt, Công ty CP Gạch ngói Kim Sơn (phường Kim Sơn) cũng không ngừng cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn để giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường. Trong gần 10 năm triển khai sản xuất gạch “không ống khói” với kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, đến nay, Công ty đã ứng dụng thành công công nghệ sản xuất gạch về tận dụng đất đá xít thải, xỉ thải, đất đồi sét vào sản xuất.
Ông Trần Đức Cường, Giám đốc Công ty CP Gạch ngói Kim Sơn cho biết: Nếu như trước đây, đơn vị phải sử dụng 2,3kg đất sét để sản xuất một viên gạch và 100% lượng đất sét này lấy từ ruộng lúa thì giờ chỉ cần 0,4-0,5kg đất đồi sét cộng với xít than, xỉ than. Điều này, không chỉ tiết kiệm được nguồn tài nguyên khoáng sản hữu hạn mà việc tận dụng xít than, xỉ than đã giúp cho viên gạch tự cháy, không gây bụi, không xả khói ra môi trường như trước đây.
Điều đáng ghi nhận là từ sự tiên phong của Gạch ngói Kim Sơn, đến nay, mô hình kinh tế tuần hoàn đã lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp của thị xã, giúp giải quyết những bức xúc của xã hội, bảo vệ môi trường sống của người dân.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng phòng TN-MT TX Đông Triều, cho biết: Với số lượng các nhà máy sản xuất nhiều, việc sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng năm là rất lớn trong khi nguồn tài nguyên đất đai và các sản phẩm phụ dần cạn kiệt, nên các nhà máy phải tự mình chuyển đổi công nghệ, đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, kết tinh nhiều công nghệ, sử dụng tiết kiệm các nguồn nguyên vật liệu nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đây đang là hướng phát triển mang lại tính bền vững cao và cũng là nội dung quan trọng được Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 đề cập đến. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải trong suốt vòng đời dự án từ thiết kế sản phẩm, sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Hướng tới phát triển bền vững
Bên cạnh việc khẳng định được thương hiệu của mình trong ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất gạch thì hiện ngành công nghiệp này của Đông Triều cũng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tồn tại rõ nét nhất là hiện nay đa số các nhà máy sản xuất gạch nằm rải rác trong các khu dân cư, nằm phân tán và ngoài CCN Kim Sen nên sẽ không tránh khỏi nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư xung quanh các nhà máy. Đáng nói là qua công tác kiểm tra, rà soát của thị xã cho thấy công tác quản lý các nhà máy gạch và các mỏ đất, sét phục vụ nhu cầu sản xuất gạch vẫn còn nhiều vướng mắc như: Có 5 nhà máy không phù hợp với quy hoạch, cần phải di dời theo quy định; một số nhà máy còn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 8 nhà máy chưa được cấp mỏ nguyên liệu hoặc có mỏ nhưng đã đóng cửa; công nghệ khai thác còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn; công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác, vận chuyển còn bất cập, hạn chế.
Theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, tháng 9/2022, Ban Thường vụ Thị ủy Đông Triều đã ban hành Kết luận số 1249-Kl/TU về việc quản lý, phát triển các nhà máy gạch và quy hoạch các mỏ đất, sét. Theo đó, đối với các nhà máy gạch trên địa bàn, thị xã không khuyến khích mở mới các nhà máy sản xuất gạch sử dụng nguồn nguyên vật liệu là tài nguyên khoáng sản (đất, sét...) mà chỉ khuyến khích phát triển các nhà máy sản xuất các sản phẩm gạch không nung sử dụng nguồn nguyên vật liệu từ phế thải, xỉ thải, xít.
Đối với các nhà máy không phù hợp quy hoạch, thị xã khuyến khích phát triển các nhà máy di dời để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ hiện hành hoặc thực hiện theo lộ trình thực hiện quy hoạch. Trong đó, ưu tiên thu hút thực hiện các dự án theo quy hoạch gắn công tác di dời, giải phóng mặt bằng theo quy định đối với các nhà máy gạch không phù hợp quy hoạch theo lộ trình.
Riêng với các nhà máy phù hợp với quy hoạch nhưng hoạt động sản xuất có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, thị xã yêu cầu có giải pháp nâng cấp công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường và từng bước vận động thực hiện di dời. Đồng thời sẽ không đề xuất gia hạn thời gian thuê đất đối với các nhà máy không phù hợp quy hoạch, các nhà máy gây ô nhiễm môi trường.
Toàn bộ các nhà máy thực hiện di dời yêu cầu phải di dời vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp theo đúng định hướng. Để đảm bảo việc di dời được thuận lợi, thị xã cũng đã hình thành và đưa vào hoạt động Cụm công nghiệp Kim Sen (phường Kim Sơn) dành cho ngành nghề cơ khí, may mặc, vật liệu xây dựng. Hiện Cụm công nghiệp Tràng An (phường Tràng An) với ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, có quy mô gần 26ha cũng đã thu hút được nhà đầu tư, Sở Công Thương cũng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương để xem xét, quyết định thành lập Cụm công nghiệp Tràng An.
Với chủ trương lớn này của thị xã, hiện đã có 2/5 nhà máy không nằm trong quy hoạch đồng thuận với việc sẽ di dời là Công ty CP Gạch ngói Kim Sơn và Công ty CP Sông Hồng 12.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Hồng 12 chia sẻ: Hiện công ty đang có Nhà máy sản xuất gạch tuynel tại phường Xuân Sơn. Theo quy hoạch chung của thị xã đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến toàn bộ khu đất của công ty sẽ chuyển đổi là đất ở đô thị. Mặc dù thời hạn thuê đất của công ty đến năm 2033 và việc di dời sẽ khiến cho hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng và tốn kém chi phí đầu tư, nhưng để phù hợp với quy hoạch và bảo vệ môi trường, chúng tôi sẽ ủng hộ chủ trương của thị xã. Hiện công ty cũng đã có văn bản đề nghị di dời vào Cụm công nghiệp Tràng An và chuyển đổi vị trí nhà máy cũ thành đất ở đô thị theo đúng định hướng quy hoạch. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong muốn tỉnh và thị xã xem xét lại mức hỗ trợ và có các cơ chế chính sách ưu đại để đảm bảo đủ nguồn kinh phí phục vụ cho việc di chuyển nhà máy.
Liên quan đến hoạt động các mỏ đất làm nguyên liệu phục vụ sản xuất gạch, đối với các mỏ đất, đá, sét hết giấy phép khai thác, còn trữ lượng, phạm vi hoạt động, tác động ảnh hưởng không lớn đến môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và đời sống dân cư quanh khu vực mỏ thì Ban Thường vụ Thị ủy sẽ xem xét việc gia hạn. Quan điểm nhất quán của Ban Thường vụ Thị ủy là kiên quyết không gia hạn đối với các mỏ còn trữ lượng nhưng hoạt động khai thác có tác động xấu đến môi trường, khu vực dân cư, không phù hợp với định hướng quy hoạch.
Về phía UBND thị xã cũng sẽ tăng cường công tác quản lý chặt chẽ, không để khai thác đối với các mỏ hết giấy phép khai thác, đang trong thời gian xin chủ trương gia hạn khai thác hoặc đóng cửa mỏ; không cho khai thác đối với các đơn vị chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Đồng thời cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, quản lý việc khai thác đảm bảo khai thác theo đúng thiết kế và ranh giới mỏ được giao.
Đánh giá về quan điểm, cách làm của TX Đông Triều đối với quản lý, phát triển các nhà máy gạch, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: Tài nguyên khoáng sản không phải là tài sản vô hạn. Chính vì vậy, nêu cao vai trò quản lý của địa phương là một trong những giải pháp gắn liền với quyền lợi thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo cho khai thác, sử dụng bền vững. Các nội dung mà Ban Thường vụ Thị ủy Đông Triều triển khai cũng là tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Bộ Xây dựng và của tỉnh về vấn đề quản lý môi trường, sử dụng khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm và hạn chế phát triển gạch nung... Điều này sẽ góp phần giúp cho Quảng Ninh có thêm những bước phát triển mới trong hành trình chuyển đổi “từ nâu sang xanh”.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()