Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 10/09/2024 14:20 (GMT +7)
Uông Bí: Phát triển du lịch từ khai thác các giá trị văn hoá bản địa
Thứ 5, 05/09/2024 | 09:48:38 [GMT +7] A A
Cùng với rất nhiều cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, TP Uông Bí là địa phương mang trong mình nhiều giá trị văn hoá đặc sắc. Ngoài di sản Yên Tử nổi tiếng, các giá trị văn hoá bản địa đặc trưng đang được thành phố tập trung khai thác, nhằm tạo các sản phẩm du lịch mới, tăng sức hấp dẫn, điểm nhấn để "níu chân" du khách.
Đặc sắc “bảo tàng” văn hoá người Dao Thanh Y
Thượng Yên Công là xã miền núi duy nhất của TP Uông Bí với gần 60% người dân tộc Dao sinh sống. Đặc biệt thôn Khe Sú 2 với 100% người dân đều là đồng bào Dao Thanh Y. Chính bởi vậy, cùng với lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ngay dưới chân non thiêng Yên Tử, địa phương này còn mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc Dao. Tương truyền từ xa xưa, đồng bào ở đây là con cháu của những cung tần, mỹ nữ từng theo vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành, được ở lại sống cuộc sống đời thường, kết duyên với người dân địa phương, sinh cơ lập nghiệp. Không ai biết chắc được câu chuyện trên là thực hay hư nhưng người Dao đã ở đây sinh sống, trở thành cộng đồng dân cư đặc trưng, xây dựng làng bản trù phú. Đến nay, người Dao ở Thượng Yên Công vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đậm đà với những giá trị văn hoá đặc sắc như: Hội làng, lễ cấp sắc, tục cưới hỏi, ma chay, may thêu trang phục dân tộc, hát đối đáp giao duyên, trò chơi dân gian... Đây là những nét văn hóa đặc trưng có giá trị nhân văn sâu sắc.
Nhận thấy những thế mạnh về văn hoá bản địa tại xã Thượng Yên Công, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, Uông Bí đã tập trung phát triển sản phẩm văn hoá du lịch mới bằng quyết định xây dựng Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y tại thôn Khe Sú 2 từ quý IV/2023 và mới khánh thành cuối tháng 8/2024. Tổng kinh phí đầu tư công trình là 800 triệu đồng.
Tham quan Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công, du khách sẽ bị cuốn hút bởi 5 không gian văn hóa người Dao Thanh Y được tái hiện sinh động, với chú thích song ngữ (Việt - Anh). Đó là Không gian trưng bày trang phục nam - nữ dân tộc Dao Thanh Y; Không gian giới thiệu chung Lễ cấp sắc dân tộc Dao Thanh Y (cụm mô hình mô phỏng bằng tượng theo tỷ lệ 1:1 và những hình ảnh, nội dung thuyết minh về nghi lễ cấp sắc); Tái hiện mô hình nhà trình tường của người Dao Thanh Y (được thiết kế mô phỏng); Không gian trưng bày góc bếp người Dao Thanh Y; Không gian trưng bày một số hình ảnh, hiện vật gắn liền với đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người Dao Thanh Y.
Gây ấn tượng trong không gian trưng bày có những hiện vật quý, hiếm như: Bộ tranh Phật (cổ) trên 100 năm tuổi của gia đình ông Đặng Văn Sơn (thầy mo, thôn Khe Sú 2, là người uy tín trong xã Thượng Yên Công); hiện vật nồi đồng có niên đại hơn 120 năm tuổi của gia đình ông Lý Đức Hải (thôn Đồng Chanh); hiện vật mâm đồng 100 năm tuổi của gia đình ông Trương Văn Thiện (thôn Tập Đoàn); hiện vật khung cửi dệt vải trên 75 năm tuổi của gia đình bà Trương Thị Bích (thôn Khe Sú 2); cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác của người dân trong xã hiến, tặng.
Nhà trưng bày đã trở thành một bảo tàng, trung tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa người Dao Thanh Y trên địa bàn TP Uông Bí, một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn ngay dưới chân di sản Yên Tử mà bất cứ du khách nào sau hành trình đến với non thiêng cũng nên ghé thăm.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng mới mẻ
Xác định việc bảo tồn văn hoá người Dao phải gắn chặt với đời sống của đồng bào dân tộc, tạo ra sản phẩm đặc trưng, do đó, thời gian gần đây, TP Uông Bí, xã Thượng Yên Công đã khuyến khích, tạo điều kiện cho du lịch cộng đồng người Dao Thanh Y trên địa bàn phát triển.
Hiểu được giá trị văn hoá của địa phương và dân tộc mình, đồng bào người Dao Thanh Y đã bắt tay vào phát triển du lịch cộng đồng. Chị Trương Thị Thanh Hương là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương, đến nay mô hình có tên gọi Tổ hợp tác cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y.
Chị Hương chia sẻ: Đi nhiều nơi, thấy đồng bào dân tộc phát triển du lịch cộng đồng, trong khi địa phương mình cũng có nhiều giá trị văn hoá đặc sắc, tôi và gia đình đã quyết tâm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công. Dưới sự động viên, hỗ trợ của chính quyền xã, tôi đã mạnh dạn đầu tư vay vốn, đi học tập thêm kinh nghiệm từ các mô hình du lịch cộng đồng và từ tháng 2/2024, chúng tôi bắt đầu đưa mô hình vào hoạt động.
Tổ hợp tác cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y đầu tư trên diện tích khoảng 300m2 với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Mô hình có nhiều dịch vụ như: Khu nhà hàng phục vụ các món ăn đặc sắc của người Dao, dịch vụ ngâm chân, tắm thảo dược của đồng bào Dao Thanh Y... Đến với Tổ hợp tác, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người Dao Thanh Y, xem người phụ nữ Dao mặc trang phục truyền thống, giới thiệu cho du khách về nghệ thuật thêu thổ cẩm đặc sắc; thưởng thức các tiết mục văn nghệ, thể thao cộng đồng hay thưởng thức những món ăn truyền thống mang đậm hương vị núi rừng, mộc mạc mà cuốn hút. Sau những giờ trải nghiệm, du khách sẽ được chăm sóc, thư giãn trong bài thuốc lá tắm hoặc ngâm chân bằng thảo mộc vốn đã rất nổi tiếng của người Dao.
Từ thời điểm đầu tư đến nay, với sự mới mẻ và đặc sắc, Tổ hợp tác đã bắt đầu thu hút khách. Trong hành trình tham quan, chiêm bái tại di sản Yên Tử, du khách đã có thêm một điểm đến nghỉ ngơi, thư giãn, trải nghiệm văn hoá độc đáo của người dân bản địa. Hơn thế nữa, hiện nay khi có thêm sản phẩm du lịch Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y, 2 sản phẩm du lịch mới này sẽ tạo thành những điểm nhấn du lịch đặc sắc, phong phú trong hành trình tham quan, du lịch quần thể Khu di tích và danh thắng Yên Tử, tạo thêm sức hút với du khách.
Với mô hình này, thường xuyên có 4 lao động địa phương được sử dụng và một số lao động thời vụ. Ngoài ra, bà con đồng bào dân tộc Dao Thanh Y cũng trực tiếp tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao cộng đồng theo nhu cầu của du khách.
Cùng với mô hình của chị Trương Thị Thanh Hương, bà con trên địa bàn xã cũng đã biết tận dụng thế mạnh địa phương để phát triển các mô hình phục vụ du lịch như: Mô hình du lịch cộng đồng của gia đình ông Trương Văn Dương (tại xóm Gốc Đa, thôn Khe Sú 2), mô hình hầm rượu mơ Quang Vinh. Nhờ đó, bà con người Dao tại đây vừa giữ gìn, phát huy được văn hoá truyền thống, vừa phát triển được du lịch, nâng cao đời sống của bản thân.
Bà Phạm Thị Phương Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã, khẳng định: Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn là hình thức để bảo tồn, phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Đây cũng là một trong những giải pháp để địa phương phát huy bản sắc văn hoá đồng bào dân tộc, gìn giữ, bảo vệ, góp phần làm giàu giá trị di sản Yên Tử.
Nhằm phục vụ nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng người Dao trên địa bàn, xã Thượng Yên Công cũng lên kế hoạch tổ chức mở lớp dạy nấu ăn và thêu thổ cẩm người Dao cho nhân dân tại xã mong muốn bảo tồn văn hoá bản địa và phát triển du lịch địa phương.
Phát huy, kết nối với sản phẩm du lịch bài bản
Không phải đến hiện tại văn hoá bản địa của đồng bào Dao Thanh Y tại Thượng Yên Công mới được khai thác, phát triển du lịch. Trước đó, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã có tầm nhìn và sự đầu tư quy mô lớn cho những sản phẩm du lịch mang đậm giá trị văn hoá địa phương. Điều đặc biệt, không chỉ khai thác các giá trị của di sản Yên Tử gắn với Phật giáo Trúc Lâm, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã tập trung tìm ra thêm những sản phẩm du lịch mới bằng việc khai thác vốn văn hoá bản địa. Du khách đến với Làng Nương Yên Tử sẽ không khỏi ấn tượng với trải nghiệm hoà mình trong những tiết mục biểu diễn văn hoá văn nghệ của người Dao trên địa bàn trong “Yên Tử - Đêm hội làng”.
Với việc đầu tư bài bản cho chương trình, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã giới thiệu đến du khách những nét văn hóa đặc sắc nhất trong hội làng của người Dao Thanh Y sinh sống dưới chân non thiêng Yên Tử. Đó là hội làng với đầy đủ phần lễ được thực hiện bởi thầy mo trong các nghi thức cầu khấn linh thiêng; đó là phần hội với các trò chơi dân gian như: Đánh cờ, ném còn, kéo co, bắn nỏ hay đẩy gậy, đi cà kheo; đó là cùng nhau hát đối giao duyên. Trải nghiệm sẽ đem tới cho du khách sự tò mò đến thích thú bởi được hoà mình trong sinh hoạt tinh thần và tâm linh của cộng đồng người Dao Thanh Y trực tiếp và sống động.
Chị Lê Thu Hiền, du khách Hà Nội chia sẻ: Kỳ nghỉ vừa qua tôi và gia đình đã có những ngày nghỉ tuyệt vời tại Làng Nương sau hành trình tham quan Khu di tích và danh thắng Yên Tử. Lưu trú qua đêm tại đây, chúng tôi được trải nghiệm không khí của Đêm hội Làng Nương rất lạ, độc đáo; thực sự ấn tượng với văn hoá của người Dao tại đây.
Từ Yên Tử, du khách sẽ được kết nối tới các điểm du lịch văn hoá tại khu vực xã Thượng Yên Công nhằm gia tăng trải nghiệm văn hoá bản địa, kéo dài thời gian lưu trú, tăng sử dụng dịch vụ; góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, người dân bản địa từ đó sẽ tự ý thức bảo tồn, phát huy và lan toả các giá trị văn hoá của địa phương.
Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, nhất là đối với thị trường khách quốc tế. Do đó, phát huy các giá trị văn hóa bản địa sẽ góp phần tạo nên những sản phẩm khác biệt, tạo dấu ấn và điểm nhấn trong phát triển du lịch của mỗi địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh "về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững", với mục tiêu đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 500.000 lượt khách du lịch quốc tế, TP Uông Bí đang tập trung nỗ lực bảo tồn, phát huy và khai thác thế mạnh các giá trị văn hóa, trong đó có văn hoá bản địa. Từ đó, gia tăng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú và đặc sắc, tạo sức hút cho du lịch địa phương bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống; khẳng định thương hiệu du lịch Uông Bí.
Khánh Đan
Liên kết website
Ý kiến ()