Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:27 (GMT +7)
Bình Liêu: Ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển văn hóa
Thứ 4, 19/06/2024 | 16:58:51 [GMT +7] A A
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất cả nước, là vùng đất có bề dày lịch sử hơn 100 năm. Trong hành trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu luôn ưu tiên dành nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, đặc biệt là các giá trị văn hoá riêng của đồng bào DTTS, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững.
Huyện Bình Liêu có dân số trên 34 nghìn người, trong đó có trên 96% là đồng bào DTTS với 3 dân tộc chiếm số đông là Tày, Dao, Sán Chỉ. Mỗi dân tộc lại có những truyền thống, phong tục, tập quán riêng. Xác định văn hóa là một trong 3 trụ cột cho phát triển kinh tế, những năm qua, cụ thể hóa Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, huyện Bình Liêu đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Tiêu biểu là việc triển khai mặc trang phục truyền thống dân tộc trong cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện. Sau 5 năm triển khai, đến nay cuộc vận động đã trở thành nền nếp, thói quen, khơi dậy tình yêu văn hóa, niềm tự hào với trang phục truyền thống của mỗi người dân Bình Liêu.
Nhằm trao truyền và phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian, huyện Bình Liêu thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả 26 CLB văn nghệ từ thị trấn đến cấp xã, thôn. Đây là nơi các nghệ nhân thực hành, sáng tác, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ trong cộng đồng dân cư, đóng góp, làm dày thêm kho tàng văn hóa dân gian sẵn có và tạo nguồn cho các hoạt động lễ hội, du lịch của huyện và của tỉnh. Các nghi lễ truyền thống như lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán, lễ đón dâu của người Sán Chỉ, nghi lễ Lẩu then, giải hạn đầu năm của dân tộc Tày… đã được dày công nghiên cứu, sưu tầm, sân khấu hóa trở thành điểm nhấn hấp dẫn du khách trong các lễ hội, sự kiện như Hội mùa vàng và Hội hoa sở vốn là những thương hiệu du lịch rất thành công của Bình Liêu.
Để văn hóa trở thành tài nguyên cho phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân, những năm qua, Bình Liêu tập trung đầu tư và gặt hái nhiều kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng trong toàn tỉnh về phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Từ việc duy trì tổ chức các hội và lễ hội truyền thống theo hướng ngày càng quy mô, chuyên nghiệp, Bình Liêu không chỉ phục dựng được nhiều nghi lễ cổ xưa có nguy cơ bị mai một mà còn tôn vinh và nâng tầm di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc. Tiêu biểu là nghi lễ Then cổ của dân tộc Tày Bình Liêu nằm trong hợp phần di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghi lễ này và nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ ở Bình Liêu cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hơn hết, tâm huyết và cách thức đầu tư cho văn hóa của Bình Liêu đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách ứng xử với văn hóa của người dân. Anh Lý Văn Vinh, quản lý homestay A Dào (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu), chia sẻ: “Du khách khi đến bản người Dao, họ thích được nghe giới thiệu và trải nghiệm phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt hằng ngày của người Dao. Từ đó, mình có thêm động lực tìm hiểu về truyền thống văn hóa của dân tộc để giới thiệu cặn kẽ cho du khách, vận động bà con tham gia bảo tồn văn hóa truyền thống”.
Giai đoạn tiếp theo, Bình Liêu xác định văn hóa chính là trụ cột đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng VH-TT huyện Bình Liêu, cho biết: “Tiếp tục bám sát Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, thời gian tới, huyện Bình Liêu sẽ đẩy mạnh triển khai xây dựng bản người Tày tại thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn), bản người Dao tại Sông Moóc (xã Đồng Văn) và bản người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù (xã Húc Động); tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư, huy động nhân dân tham gia xây dựng mô hình bản văn hóa, biến nơi đây trở thành những "bảo tàng sống”, hướng tới mục tiêu xây dựng Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh”.
Đào Linh
- Bình Liêu xây dựng hành trình di sản gắn với du lịch cộng đồng
- Bình Liêu: Chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ
- Bình Liêu: Công bố kết quả xếp hạng chỉ số CCHC của các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn năm 2023
- Điểm sáng Bình Liêu
- Bình Liêu: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Liên kết website
Ý kiến ()