Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:07 (GMT +7)
Vấn đề giới qua lấy ý kiến ở địa phương vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Thứ 2, 17/04/2023 | 17:10:00 [GMT +7] A A
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều đổi mới, bổ sung so với Luật Đất đai hiện hành. Trong đó, nội dung bình đẳng giới được tập trung thảo luận chuyên sâu trong dự thảo Luật góp phần đảm bảo quyền lợi cho nữ giới về sở hữu, quản lý, sử dụng tài sản là đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nữ giới trong xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 1234-CV/TU ngày 17/02/2023 chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, phát huy dân chủ trong việc lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân; UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 10/02/2023 để tổ chức triển khai thực hiện.
Việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội hết sức sâu rộng trong toàn thể Nhân dân toàn tỉnh. Thường trực HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các sở, ban, ngành và 13/13 địa phương cấp huyện đã tổ chức triển khai lấy ý kiến trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan và các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đối tượng phù hợp. Công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp các địa phương trong tỉnh và đến từng thôn, xóm, khu phố và người dân…, nhiều website của các địa phương, trang fanpage của các tổ chức mở chuyên mục để cho người dân góp ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật.
UBND tỉnh Quảng Ninh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, có tác động lớn đến kết quả lấy ý kiến nên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến nội dung dự thảo Luật đất đai (sửa đổi); công tác tổ chức lấy ý kiến được thực hiện thông qua nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và người dân dễ dàng tham gia ý kiến. Theo kết quả tổng hợp, để góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan, tổ chức trực thuộc đã tổ chức hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo; đã nhận được 14.118 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân, có 13.414 ý kiến tham gia góp ý để nghị giải thích, bổ sung, sửa đổi. trong đó các ý kiến tham gia nhiều nhất tập trung vào Chương VII: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (2944 lượt ý kiến góp ý); Chương XV: Giám sát; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai (1465 lượt ý kiến góp ý); Chương XI: Tài chính về đất đai, giá đất (1437 lượt ý kiến góp ý); Chương V: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (1368 lượt ý kiến góp ý) và Chương VI: Thu hồi đất, trưng dụng đất (1004 lượt ý kiến góp ý).
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm đổi mới thể chế đầy đủ và phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đã cơ bản giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện nay, phù hợp với quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở. Dự thảo Luật đã được xây dựng công phu, khoa học và có nhiều điểm tiến bộ, có tính khả thi cao; đã luật hóa và quy định cụ thể trong dự thảo Luật nhiều nội dung, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hạn chế việc giao cho Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, cần thiết phải có sự xem xét, nghiên cứu, thảo luận, thống nhất để quy định cụ thể, rõ ràng hơn, hạn chế tối đa sự tùy nghi trong các quy định của Luật, dẫn đến Luật ban hành chậm được triển khai trong thực tiễn và khi triển khai chưa thể bảo đảm tối đa mối quan hệ về quyền và lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đối với vấn đến về bình đẳng giới trong dự thảo Luật, thông qua việc tổ chức các diễn đàn lấy ý kiến, có một số vấn đề nổi lên trong thực tiễn liên quan trực tiếp đến dự án Luật.
Để bảo đảm quyền lợi của nữ giới trong sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai
Phải thấy rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm đổi mới, bổ sung hơn so với Luật Đất đai hiện hành, trong đó quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới, bảo đảm quyền lợi cho nữ giới trong gia đình về sở hữu tài sản quan trọng là đất đai. Phát huy vai trò của người phụ nữ trong sở hữu, quản lý và sử dụng tài sản là đất đai để tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên trong những quy định của dự thảo Luật có tác động đến quyền lợi của nữ giới vẫn còn quy định theo hướng tùy nghi, chưa có sự thống nhất, nhất quán, bảo đảm thực hiện cao nhất, triệt để nhất các quyền có liên quan trong thực tiễn; chưa bảo đảm quyền của nữ giới với vai trò là thành viên trong hộ gia đình. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục xem xét để điều chỉnh, cụ thể như:
Thứ nhất: Tại khoản 2, Điều 89 quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” nhưng chưa quy định, định lượng cụ thể đối với người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đối tượng người sống chung với người có đất bị thu hồi bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quy định này chưa đủ để bảo đảm bình đẳng giới, trên thực tế việc thu hồi đất diễn ra đang gây bất lợi cho nữ.
Trong cùng một thửa đất của 1 hộ gia đình có nhiều thế hệ sinh sống, trong đó có con dâu sống cùng gia đình chồng – người trực tiếp sử dụng đất bị thu hồi - bị mất nguồn sinh kế, bị loại khỏi các chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ của Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, khi bị thu hồi đất chưa tính đến khía cạnh các hộ gia đình với nhiều thế hệ cùng sinh sống trên diện tích đất để bố trí tái định cư phù hợp (con dâu, con rể, vợ hoặc chồng…); chưa tính đến thời gian sống cùng và trực tiếp sử dụng đất. Có hộ gia đình sau khi bị thu hồi đất việc bố trí nơi ở tái định cư chật hẹp, không gian sống chưa bảo đảm cho các thành viên trong hộ gia đình gây ra đơn thư, khiếu kiện. Những nội dung do người dân phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền là chính đáng, nhưng do quy định luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa quy định rõ nội dung này nên không thể giải quyết, dẫn đến quyền lợi của người dân, trong đó có nữ giới với vai trò là vợ, là con, là thành viên trong hộ gia đình bị chưa được bảo đảm triệt để.
Do đó đề nghị cần phải có quy định nhằm định lượng được cơ bản, quy định cụ thể đối với quy định người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đối tượng người sống chung với người có đất bị thu hồi bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Thứ hai: Tại Khoản 4, Điều 143 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã quy định rất cụ thể quyền lợi của người phụ nữ với vai trò người vợ: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.
Quy định này đã cụ thể xác lập quyền của người vợ trong quan hệ hôn nhân. Tôi tán thành quy định trên, tuy nhiên, cũng cần quan tâm để quyền đó được thực hiện ngay khi Luật được ban hành, cần quy định cụ thể thêm 2 nội dung sau:
Một là, cần xác định cụ thể việc xác lập tài sản giữa vợ và chồng được tính từ thời điểm khi xác lập quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật. Để khẳng định quyền lợi của người phụ nữ trong quan hệ hôn nhân, đồng thời để người phụ nữ nhận thức rõ hơn quyền và lợi ích của mình trong quan hệ hôn nhân khi được pháp luật công nhận và bảo đảm, bởi trên thực tế hiện nay có nhiều trường hợp sinh sống như vợ chồng nhưng chưa xác lập quan hệ hôn nhân theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trên thực tế, trong quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật cũng có những trường hợp tài sản được xác lập trong quá trình hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không được biết vì những lý do khác nhau. Việc cụ thể hóa sẽ ràng buộc trách nhiệm của cả 2 bên trước pháp luật về tài sản sau khi kết hôn, trong đó có bảo đảm quyền lợi của người phụ nữ.
Do đó, đề nghị bổ sung một nội dung tại khoản 2, Điều 143: “Quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng được xác lập và có hiệu lực ngay sau khi xác lập quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật”.
Hai là, khoản 2, Điều 143 quy định: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu. Về nội dung trên, tôi có quan điểm bỏ quy định trên trong dự thảo Luật.
Nên quy định rõ, cụ thể, bắt buộc 01 nội dung: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận. Cũng đề nghị trong quy định này bỏ nội dung “trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”.
Lý do: Để Luật khi được ban hành thực hiện nhất quán theo 1 nguyên tắc bắt buộc, việc này cũng góp phần từng bước quản lý tốt hơn cơ sở dữ liệu về đất đai, sở hữu đất đai trong thời gian tới, mặt khác bảo đảm tối đa quyền của người phụ nữ trong gia đình, tránh việc tùy nghi.
Bên cạnh đó để thực hiện tốt quy định trên, tránh việc phát sinh thêm những thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân cả về chi phí và thời gian, phát sinh thêm thủ tục đối với cơ quan quản lý nhà nước. Đề nghị quy định cụ thể đối với những tài sản hôn nhân được xác lập theo quy định của pháp luật được tiến hành trước thời điểm Luật này quy định chỉ ghi tên vợ hoặc chồng có giá trị như nhau.
Về việc giao đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Tại Điểm a, khoản 2, Điều 17: quy định về Giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với những đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh. Đề nghị phải quy định rõ ở vùng nào: Vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, vùng biên giới hải đảo… Bởi nếu ghi như trong dự thảo luật thì bất cứ sống ở vùng nào nếu là đồng bào dân tộc thiểu số thì được hưởng chính sách này là không phù hợp.
Ngoài nội dung quy định tại Điều 17 và điểm a, khoản 3, Điều 175 dự thảo Luật Đất đai: đề nghị bổ sung thêm chính sách đất đai đối với các hộ dân sinh sống ở khu vực hải đảo như chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị bổ sung chính sách về rừng cộng đồng theo đó khoản 1 Điều 17 dự thảo đề nghị quy định đầy đủ là: "1, Có chính sách về đất ở, đất, sinh hoạt cộng đồng, đất rừng cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa về điều kiện thực tế từng vùng”.
Nguyên nhân là do rừng cộng đồng là khu rừng mà theo phong tục tập quán luật tục của hầu hết các cộng đồng thôn bản người dân tộc thiểu số quy định đó là rừng thiêng, rừng già, rừng có miếu, rừng đầu nguồn, thường là khu rừng được cộng đồng bảo vệ, cấm khai thác hoặc được khai thác trong giới hạn theo luật tục của bà con trong cộng đồng đó. Mục đích của việc bảo vệ rừng này là đảm bảo Tín ngưỡng của cộng đồng tôn thờ thần rừng, đảm bảo duy trì ổn định nguồn sinh thủy, phục vụ đời sống cộng đồng, giữ đất, giữ nước, phòng chống lụt bão….
Đề nghị xem xét thay thế từ “...tạo điều kiện…” bằng từ “ưu tiên” tại khoản 2: “2. Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế thông qua các chính sách:” Lý do: Để thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương. Ngoài ra, cần bổ sung các chính sách ưu tiên áp dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật, không ghép chung với các nhóm đối tượng khác.
Về chính sách hỗ trợ đối với việc thu hồi đất
Đề nghị bổ sung chính sách đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất nông nghiệp mà không còn khả năng chuyển đổi nghề do quá độ tuổi lao động, không có khả năng chuyển đổi nghề theo quy định mà không có bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội.
Cần có chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người sử dụng đất trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài những chính sách hỗ trợ chung cho người có đất bị thu hồi để tạo lập cuộc sống mới. Những trường hợp này thường giá trị bồi thường về đất và tài sản không lớn, không đủ tiền tạo lập cuộc sống ở nơi ở mới nên cần phải có chính sách hỗ trợ ngoài chính sách chung.
Điều 104 quy định 5 loại hỗ trợ, tuy nhiên chỉ có Điều 105 cụ thể việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, các khoản hỗ trợ khác lại chưa có điều khoản quy định như: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở; Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ khác.
Ngoài ra, đề nghị trong khi xem xét ban hành dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo cần đánh giá rõ hơn tác động của dự thảo Luật đến đời sống các tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ trong độ tuổi lao động, cần có chính sách hỗ trợ cho người bị thu hồi đất và những người bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất là phụ nữ cũng cần được xem xét nhất là trường hợp phụ nữ bị mất việc làm khi Nhà nước thu hồi đất: quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cần chú trọng đào tạo, chuyển đổi nghề phù hợp cho lao động nữ khi Nhà nước thu hồi đất.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần quy định chính sách hỗ trợ phù hợp với những lao động nữ bị ảnh hưởng việc kinh doanh, mua bán khi Nhà nước thu hồi đất, chính sách ưu đãi phát triển, sử dụng quỹ đất cho phát triển nông nghiệp xanh – nông nghiệp tuần hoàn do nữ giới làm chủ, đặc biệt là nữ giới là người dân tộc thiểu số có năng lực, trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Đề nghị dự thảo luật quan tâm đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất, lồng ghép giới, bình đẳng giới trong dự thảo Luật, các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trong đó có hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Liên kết website
Ý kiến ()