Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 11:35 (GMT +7)
Vân Đồn: Chế biến thủy sản hướng tới xuất khẩu
Chủ nhật, 30/10/2022 | 13:47:05 [GMT +7] A A
Vốn có lợi thế về nuôi trồng, chế biến thủy hải sản nhưng nhiều năm qua, Vân Đồn chưa thực sự khai thác hiệu quả thế mạnh này. Vì thế, đầu tư hạ tầng, cơ sở sản xuất, thu hút nhà đầu tư tới các giải pháp quy hoạch, công bố mã số, đảm bảo an toàn vùng nuôi... là các giải pháp căn cơ, hướng đi đúng dù còn nhiều khó khăn trong triển khai.
Là “vựa” nuôi trồng thủy hải sản lớn, Vân Đồn có diện tích nuôi thủy, hải sản hiện đạt hơn 3.600ha trên 160.000ha mặt nước biển. Thế nhưng những năm qua, vẫn có tình trạng giá và sản lượng tiêu thụ hải sản còn thiếu ổn định.
Việc xuất, bán chủ yếu là nguyên liệu thô, thiếu các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm mang giá trị gia tăng có khả năng cạnh tranh ngoài thị trường hoặc hướng tới xuất khẩu. Việc phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu khiến việc tiêu thụ lao đao, đặc biệt khi chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đứt gãy chuỗi tiêu thụ... đều khiến các hộ nuôi trồng, chế biến bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng.
Theo ông Hà Văn Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện, để giải bài toán này, thời gian qua, huyện Vân Đồn rất quan tâm tới các giải pháp căn cơ, định hướng phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới đầu tư hạ tầng, khuyến khích sản xuất, thúc đẩy sản phẩm gia tăng, giá trị thủy hải sản để chinh phục thị trường.
Một trong những đổi thay và có chuyển biến chính là việc hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp trong việc đầu tư và hiện đại hóa các cơ sở chế biến xuất khẩu ruột hàu và các loại thủy hải sản khác. Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, hầu hết các cơ sở này đều đầu tư lớn từ 300 triệu tới trên 1 tỷ đồng cho hệ thống máy móc, quy trình chế biến một chiều, khép kín. Trong đó, khâu được quan tâm nhất chính là đảm bảo nguồn nước sạch cho chế biến hải sản và hiện đã được đầu tư từ 100 triệu đồng ở mỗi cơ sở.
Ngoài ra, do đặc thù các xưởng chế biến nằm trong hoặc kề cận khu dân cư, việc đầu tư khâu xử lý nước thải bằng quy trình lắng, lọc bằng vi sinh... là yêu cầu bắt buộc và thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Theo các tiêu chuẩn này, cho tới thời điểm hiện tại, Vân Đồn có khoảng 7 cơ sở chế biến lớn (3 doanh nghiệp, 4 HTX), trên 30 cơ sở chế biến quy mô nhỏ, tập trung ở các xã Hạ Long, Đông Xá... Các cơ sở này hoạt động ổn định, trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 20 tấn ruột hàu và thủy hải sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Đài Loan.
Hướng tới sản xuất, chế biến thủy hải sản bền vững, hiện đại, huyện Vân Đồn cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng hướng tới đảm bảo an toàn vùng nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT. Theo đó, huyện phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT) và Viện Nghiên cứu Hải sản 1 (Bộ NN&PTNT) thực hiện quan trắc vùng nuôi thủy hải sản ở Vân Đồn. Trong đó, tiến hành kiểm tra và công bố kết quả hàng tháng về môi trường nước, chất lượng sản phẩm vật nuôi, đặc biệt là các mẫu hàu, ngao... ở các điểm nuôi xã Đông Xá, Hạ Long, vùng nuôi Thắng Lợi, Bản Sen...
Nhờ đó, nắm bắt và kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo chất lượng thủy hải sản đưa vào chế biến, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bản thân các đơn vị, tổ hợp chế biến cũng tuân thủ chặt các tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu cũng như mời kỹ thuật viên đối tác giám sát trực tiếp quy trình, chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, để tạo thay đổi tích cực, lâu dài, huyện Vân Đồn quy hoạch hẳn Khu tiểu thủ công nghiệp rộng trên 52ha ở thôn Tràng Hương (xã Đoàn Kết), tập trung các cơ sở chế biến thủy hải sản, đầu tư khu xử lý nước thải tập trung, kho lạnh và hạ tầng đồng bộ...
Đồng thời, mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất và đã thu hút được một số nhà đầu tư quan tâm, như: Công ty CP Green Aquatech và đối tác quy mô chế biến khoảng 150 tấn thuỷ sản/ngày; một nhà đầu tư lớn khác mở chuỗi sản xuất khép kín với khả năng bao tiêu nguyên liệu trên quy mô 150ha nuôi trồng. Hiện khu này đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động năm 2023.
Đồng thời, huyện Vân Đồn cũng khuyến khích, hỗ trợ linh hoạt các nguồn lực hỗ trợ các cơ sở sản xuất các sản phẩm gia tăng mang thương hiệu OCOP. Điển hình là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh tiên phong đầu tư máy móc công nghệ sản xuất nhiều sản phẩm ruốc hải sản 3-4 sao; Công ty TNHH MTV Newstar, Mắm Cái Rồng, Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long hiện đại hóa sản xuất cho sản phẩm nước mắm sá sùng, hàu...
Chị Vũ Thị Thu Hoa, phụ trách xưởng sản xuất Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Vân Đồn) chia sẻ: Đơn vị đã đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, đặc biệt dây chuyền công nghệ Nhật Bản gần đây cho phép sản xuất các sản phẩm gia tăng từ thủy hải sản Vân Đồn. Không chỉ là sản phẩm OCOP chất lượng, sản phẩm có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cho các thị trường khó tính.
Về lâu dài, huyện Vân Đồn đang thúc đẩy quy hoạch lại, định hướng tăng giá trị sản phẩm nuôi trồng bằng giải pháp đồng bộ. Cụ thể, huyện cấp lại, giảm mật độ nuôi kết hợp thay thế phao xốp bằng phao HDPE; làm thủ tục công bố, giao mặt biển để từ đó có cơ sở giao vùng nuôi cụ thể, truy xuất nguồn gốc; tập trung đầu mối tiến tới việc chuẩn hóa quy trình giống, nuôi trồng...
Đây là giải pháp hiệu quả để giảm diện tích, mật độ vùng nuôi, nâng chất lượng, giá trị sản phẩm nuôi trồng, hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, về lâu dài cần khuyến khích phát triển mạnh các sản phẩm gia tăng, thu hút nhà đầu tư lớn, đồng thời đẩy nhanh quy hoạch, việc giao mặt biển để từ đó có cơ sở giao vùng nuôi cụ thể, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, hướng tới sản phẩm xuất khẩu...
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()