Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 22:52 (GMT +7)
Vân Đồn chuẩn bị nguồn nhân lực cho Đặc khu
Thứ 2, 23/10/2017 | 07:36:44 [GMT +7] A A
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Đặc khu Vân Đồn) sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, tỉnh và huyện Vân Đồn trong tương lai. Hiện việc chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao cho Đặc khu là vấn đề được địa phương hết sức quan tâm.
Thi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. |
Theo Đề án Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, định hướng phát triển ngành nghề được xây dựng đảm bảo khai thác đặc thù của Vân Đồn. Nơi đây sẽ là khu đô thị biển - đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế… Dự kiến, đến năm 2020, Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ thu hút khoảng 90.000 – 98.000 lao động mới và thu hút từ 110.000 – 111.000 lao động mới vào năm 2030. Với định hướng trên, nguồn nhân lực cho Đặc khu phải đáp ứng tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Đón đầu xu hướng phát triển này, huyện Vân Đồn cũng đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu là 100% cán bộ quản lý hành chính qua đào tạo đại học; 70% lao động được qua đào tạo. Hiện tại, song song với cử cán bộ đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài, tăng cường kỹ năng tin học, ngoại ngữ, trình độ lý luận chính trị thì việc đào tạo nghề cho lao động trẻ, lao động nông thôn trên địa bàn huyện cũng đang có bước chuyển trong tình hình mới.
Theo một cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Đồn cho biết, từ 2015 đến nay, Vân Đồn đã triển khai nhiều khoá đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó tập trung vào các ngành nghề phi nông nghiệp, đặc biệt là phục vụ phát triển du lịch như kỹ thuật chế biến món ăn và phục vụ, lái xe, 80% lao động sau đào tạo có việc làm. Đối tượng lao động bị thu hồi đất cũng được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề.
Một buổi thực hành của lớp kỹ thuật chế biến món ăn tại Trung tâm GDNN&GDTX Vân Đồn. |
Tìm hiểu thêm tại Trung tâm GDNN&GDTX Vân Đồn, ông Vũ Huy Thuyến, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Các ngành nghề được Trung tâm lựa chọn liên kết đào tạo cũng phù hợp với xu hướng phát triển dịch vụ, du lịch cao cấp của Vân Đồn. Hiện Trung tâm đang liên kết với các trường cao đẳng mở 6 lớp trung cấp nghề cho học sinh từ khối 10 đến 12. Trong đó có 87 em học trung cấp nghề công nghệ thông tin; 180 em học trung cấp nghề kỹ thuật chế biến món ăn. Trung tâm chú trọng chất lượng đào tạo ngoại ngữ, tin học để mỗi học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vừa có văn hóa, vừa có tay nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Đặc khu Vân Đồn sẽ có sức hút lớn đối với lao động trình độ cao trong nước và quốc tế. Do đó, đòi hỏi Vân Đồn cần nhiều nỗ lực để triển khai tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, lao động đáp ứng yêu cầu phát triển, bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện mới chỉ đạt khoảng 54%. Bên cạnh đó, huyện cũng cần quan tâm nhiều hơn để sớm ổn định nơi ở, việc làm phù hợp cho đối tượng lao động bị thu hồi đất để tránh nguy cơ chưa ổn định tái định cư đã tái nghèo.
Phương Thúy
Liên kết website
Ý kiến ()