Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:14 (GMT +7)
Vân Đồn: Để có những vùng nuôi giá trị cao
Thứ 6, 31/03/2023 | 14:58:12 [GMT +7] A A
Sở hữu nhiều lợi thế về vị trí, địa hình, diện tích mặt nước...., Vân Đồn là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn nhất tỉnh, hoạt động chủ yếu là nuôi biển. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sự phát triển của ngành này vẫn chưa tương xứng với những tiềm năng vốn có, hiệu quả chưa cao, cần sự đầu tư bài bản hơn.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, một trong những nguyên nhân là cái khó trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nuôi, công tác giao, cho thuê mặt nước. Mặc dù đã lập quy hoạch chi tiết nuôi thủy sản mặn, lợ, tuy nhiên, địa phương này mới chỉ quy hoạch chi tiết được một phần mặt biển để làm cơ sở thực hiện giao, cho thuê mặt biển với hoạt động NTTS.
Bởi, thực tế hiện nay, để được cấp giấy xác nhận NTTS, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, các hộ nuôi phải có đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng giao, cho thuê đất/mặt nước. Tuy nhiên, phần lớn số hộ NTTS trên địa bàn huyện Vân Đồn đều không đủ điều kiện theo quy định hiện hành này.
Hiện tại, với diện tích NTTS lớn, chủ yếu là nuôi nhuyễn thể, Vân Đồn cũng là địa phương chiếm đến 90% số phao xốp cần chuyển đổi trong toàn tỉnh. Thống kê của huyện Vân Đồn cho thấy, thời điểm đầu năm 2022, diện tích NTTS trên địa bàn huyện đạt 4.000ha với khoảng 5,1 triệu quả phao xốp. Cho đến nay, với nhiều giải pháp hiệu quả, từ tuyên truyền, vận động, rà soát, kiểm tra, đôn đốc và mạnh tay cưỡng chế đối với các hộ NTTS trái phép cũng như không chấp hành thay thế phao, toàn huyện còn khoảng 2.900ha diện tích NTTS, đã cắt bỏ được 7.770 quả phao xốp, thay thế được 2.400 phao HDPE, tính đến hết ngày 27/3.
Để có được kết quả này, hằng tuần, UBND huyện Vân Đồn đều họp trực tuyến với các địa phương để kiểm đếm tiến độ chuyển đổi phao xốp, đồng thời, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đều trực tiếp đi kiểm tra thực tế việc chuyển đổi.
Vân Đồn kiên quyết lập lại trật tự, kỷ luật, kỷ cương đối với hoạt động NTTS trên biển; xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với tất cả các trường hợp, kể cả cán bộ, đảng viên và người dân (nếu có) vi phạm vị trí nuôi nằm ngoài ranh giới quy hoạch, lấn chiếm luồng giao thông thủy, tự phát, trái phép…, không chấp hành nghiêm việc chuyển đổi vật liệu nổi theo quy định; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Ông Vũ Đức Hưởng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn có biển, chậm nhất đến ngày 31/3/2023, phải hoàn thành xong việc đánh giá tổng thể hiện trạng, xác định rõ diện tích, vị trí, tọa độ các cơ sở nuôi biển và vùng NTTS trên biển, số lượng phao nổi trong NTTS trên địa bàn thuộc quyền quản lý; đồng thời, kiểm tra, rà soát, thống kê cụ thể, chính xác từng trường hợp nuôi phát sinh. Quyết liệt chỉ đạo, huy động tổng thể lực lượng, phương tiện ra quân; tiếp tục tổ chức đợt cao điểm ra quân nhiều mũi rà soát chuyển đổi phao xốp trong hoạt động NTTS sang vật liệu phù hợp với quy chuẩn địa phương đảm bảo trước ngày 30/4/2023 tỉ lệ chuyển đổi đạt 100%.
Định hướng phát triển kinh tế biển của Vân Đồn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy, huyện sẽ sắp xếp lại vùng nuôi trồng theo hướng giảm mật độ nuôi vùng biển từ 3 hải lý trở vào; phát triển vùng nuôi theo phương thức công nghiệp với công nghệ hiện đại phù hợp với sức tải môi trường trong giới hạn 3 - 6 hải lý...
Bên cạnh đó, để việc tổ chức hoạt động nuôi biển phù hợp, hạn chế tiêu cực đến môi trường sinh thái khu vực biển, Vân Đồn đang tiến tới chuyển dần từ phương thức nuôi lồng/bè truyền thống, gần bờ sang hình thức nuôi ứng dụng công nghệ cao, xa bờ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường liên kết trong sản xuất NTTS theo chuỗi giá trị, theo hướng nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất và phát triển bền vững. Địa phương cũng sẽ đẩy mạnh phát triển mở rộng nuôi trồng, đa dạng các loài nuôi biển, trong đó tập trung phát triển các loài đặc sản có giá trị kinh tế cao, các loài chủ lực như: cá song, hàu, ngao, tu hài, thưng, sần, ngọc trai, ngán,.... Đồng thời, hạn chế tối đa hiện tượng tự phát, phát triển nóng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh...
Khánh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()