Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:18 (GMT +7)
Vân Đồn: Nâng cao năng lực ứng phó
Thứ 4, 29/06/2022 | 09:21:53 [GMT +7] A A
Là địa bàn huyện đảo, tại Vân Đồn thường xảy ra mưa nhiều vào tháng 7, 8, 9 và các cơn bão đổ bộ từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Các trận bão kéo theo mưa lớn, lốc xoáy, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển KT-XH của địa phương và cuộc sống của nhân dân.
Với mục tiêu chuẩn bị mọi tình huống, phương án, cơ sở vật chất, con người, sẵn sàng các hành động, biện pháp cần thiết, hợp lý trước, trong và sau thiên tai xảy ra để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục một cách hiệu quả, huyện Vân Đồn đã chủ động triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2022.
Tích lũy kinh nghiệm
Hiện nay trên địa bàn huyện Vân Đồn có 1.645 phương tiện thủy đăng ký hoạt động (trong đó có 81 phương tiện chở khách, 60 phương tiện đánh bắt cá tuyến khơi, 1.226 phương tiện đánh bắt hải sản vùng ven bờ và vùng lộng, 338 phương tiện hoạt động kinh doanh các dịch vụ khác). 13 khu vực, điểm tránh trú bão tập trung tại các xã đảo và các xã ven biển của huyện, cụ thể là: Bến Quan Lạn, Vụng Sâu (xã Quan Lạn); khu Ổ Lợn, Cống Đình (xã Minh Châu); bến Thắng Lợi, khu Áng Giã, vụng Tùng Con, lạch Cống Đông (xã Thắng Lợi); khu Đầm Tàu, khu Cái Tặc, khu Cống Yên (xã Ngọc Vừng); khu Đầm Cóc (xã Đoàn Kết); khu vực phía đông Cảng Cái Rồng.
Ngoài ra, toàn huyện có 531 nhà bè, trong đó có 12 bè dịch vụ, 519 bè nuôi trồng thuỷ sản, đều đã được gia cố. Trước mỗi cơn bão, cùng với sự nhắc nhở của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, các chủ nhà bè đã chủ động chằng chống, đồng thời sơ tán người già, trẻ em lên bờ.
Do đó, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng của 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nhưng trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người. Các công trình giao thông, thủy lợi, công trình hạ tầng đều không bị ảnh hưởng và hoạt động bình thường. Sau mưa bão, các địa phương đều chủ động khắc phục, xử lý sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt.
Tuy nhiên, Vân Đồn là huyện miền núi biển đảo. Địa hình đồi núi thấp, có độ dốc lớn, đất thường bị xói mòn, sạt lở, đặc biệt là có nhiều vũng, vịnh, bãi triều ven biển và ngập mặn, có nhiều bến cập tàu, các đảo phân bố trên địa bàn rộng, độc lập, chia cắt. Do vậy, rất khó khăn cho việc tổ chức PCTT&TKCN trên biển khi có bão, giông, lốc, mưa lớn. Vào mùa mưa bão, cũng thường xuyên xảy ra ngập lụt cục bộ tại một số vị trí trũng, thấp và sạt lở tại một số vị trí trên tuyến đường 334 và đường nối từ xã Đông Xá đến Khu tái định cư xã Đoàn Kết.
Trong khi đó, tiến độ thi công khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá tại khu vực Cảng Cái Rồng (do Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư còn chậm do ảnh hưởng từ việc di dời các hộ dân phía nam Cảng Cái Rồng gặp nhiều khó khăn. Phương tiện ứng cứu trên địa bàn huyện không đáp ứng được tình hình thực tế khi hoạt động trong điều kiện gió bão từ cấp 7 trở lên.
Không những vậy, một số địa phương còn có tình trạng chưa quyết liệt trong chỉ đạo về công tác PCTT. Chế độ thông tin, báo cáo trước, trong, sau bão; chế độ trực chỉ huy 24/24h khi có bão có nơi, có lúc chưa được duy trì nghiêm túc. Người dân còn có tâm lý chủ quan, đến khi bão đổ bộ vào sẽ khó khăn cho công tác ứng phó kịp thời, đặc biệt là các địa phương, đơn vị tuyến đảo.
Chủ động ứng phó với mọi tình huống
Từ những bài học đã rút ra của năm 2021, để phòng chống hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, trong năm 2022, các ngành, đơn vị, địa phương thuộc huyện Vân Đồn đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội; nêu cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương trong PCTT; thực hiện hiệu quả phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; thường xuyên rà soát, cập nhật các phương án PCTT&TKCN để triển khai thực hiện có hiệu quả khi có tình huống xảy ra.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện Vân Đồn, cho biết: Xác định công tác PCTT&TKCN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục và phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân, huyện đã yêu cầu các phòng, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải khẩn trương cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và huyện thành những biện pháp, giải pháp, phương án cụ thể. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, phân công, phân nhiệm cho từng đồng chí thành viên; rà soát kỹ các nội dung trong phương châm “4 tại chỗ”, nhất là vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Huyện cũng chú trọng đầu tư nâng cấp các công trình đê điều, hồ đập, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, cùng các công trình PCTT khác, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, bảo vệ sản xuất và phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.
Để nâng cao năng lực PCTT ngay từ cơ sở, huyện cũng yêu cầu các phòng, ban, cơ quan, đơn vị gắn chặt nhiệm vụ PCTT với các công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng; khẩn trương rà soát các điểm xung yếu, ngập lụt, nguy hiểm để chủ động phương án đảm bảo an toàn. Đồng thời, xây dựng các kịch bản thiên tai để tổ chức diễn tập phòng, chống... Huyện cũng hết sức chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, đổi mới cả về hình thức và nội dung, với mục đích nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức tự chủ động phòng tránh trong nhân dân.
"Không chỉ yêu cầu rà soát, kiểm đếm, đăng ký, quản lý các phương tiện thủy như tàu cá, tàu, bè nuôi trồng thuỷ sản, thời gian tới, Vân Đồn sẽ tổ chức đăng ký, đăng kiểm toàn bộ phương tiện thủy để đảm bảo trong công tác quản lý" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn nhấn mạnh.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()